Categories Doanh nghiệp

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đầu tư 52 triệu euro vào pin ứng dụng vonfram

Nyobolt là công ty duy nhất trong lĩnh vực chế tạo pin ứng dụng Vonfram giàu tiềm năng thương mại hóa trong thời gian sắp tới.

Hôm nay 15.7, H.C. Starck Tungsten Powders (HCS) – công ty con của Masan High-Tech Materials đã công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh (tương đương 52 triệu euro) cho 15% vốn chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt Limited – một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh.Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất vào Nyobolt ở vòng Series B.

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đầu tư 52 triệu euro vào pin ứng dụng vonfram - ảnh 1
H.C. Starck ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Nyobolt.

Thương vụ hợp tác được kỳ vọng ​​sẽ thúc đẩy tầm nhìn của HCS trở thành nhà cung ứng vật liệu công nghiệp công nghệ cao thông qua việc phát triển các ứng dụng Vonfram mới có ý nghĩa quan trọng cho các phát kiến của tương lai. Công ty đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm để sẵn sàng ra mắt thị trường trong thời gian sắp tới.

Sử dụng vật liệu Vonfram công nghệ cao của HCS cho lớp phủ cực anode, pin lithium-ion do Nyobolt chế tạo có công suất cao kỷ lục và khả năng sạc tốc độ cực nhanh. Công nghệ này là thành quả của quá trình 10 năm nghiên cứu pin lithium-ion sạc nhanh do Giáo sư Clare Grey khởi xướng. Giáo sư Clare Grey là nhà khoa học về pin hàng đầu của Đại học Cambridge và đã được Hoàng gia Anh phong tước hiệu nhờ những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học.

Hệ thống anode trong pin của Nyobolt có lớp phủ Niobium và Vonfram độc đáo, mang đến hiệu suất vượt trội so với các loại pin Li-ion có cực anode thông thường. Các ưu điểm vượt trội của pin có thể kể đến như pin đầy hơn 90% trong chưa đến 5 phút; Công suất và độ bền cao hơn gấp 10 lần; Khả năng chịu nhiệt cao hơn, giảm nguy cơ cháy nổ…

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đầu tư 52 triệu euro vào pin ứng dụng vonfram - ảnh 2
Sản phẩm pin của Nyobolt.

Công nghệ vượt trội này giúp gia tăng tính ứng dụng của pin và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đối tượng khách hàng của Nyobolt sẽ là các công ty sản xuất xe điện công nghiệp yêu cầu công suất cao, thiết bị tự động hóa (robotics), thiết bị tiêu dùng, công cụ không dây, hệ thống lưu trữ năng lượng và sạc nhanh di động.

Công nghệ pin mới này được kỳ vọng không chỉ giúp thúc đẩy điện khí hóa phương tiện giao thông không phát sinh khí thải (net zero), mà còn có thể lưu trữ năng lượng sạch, có khả năng tái tạo trên và ngoài lưới điện, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lượng sạch được chính phủ các nước đặt ra.

Khoản đầu tư của HCS sẽ giúp Nyobolt xây dựng các cơ sở sản xuất anode và mở rộng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

“Thỏa thuận đầu tư đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của HCS: đẩy mạnh chế biến sâu và gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng thông qua các phát kiến mới, trong đó, có thể kể đến dòng sản phẩm vật liệu pin “starck2charge” đã được chúng tôi đăng ký nhãn hiệu gần đây. Thỏa thuận cũng sẽ giúp hai bên thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực pin bằng cách tái chế và ứng dụng các hình thức sử dụng pin mới.” ông Hady Seyeda, Giám đốc Điều hành của H.C. Starck cho biết.

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đầu tư 52 triệu euro vào pin ứng dụng vonfram - ảnh 3
Đối tượng khách hàng của Nyobolt sẽ là các công ty sản xuất xe điện công nghiệp yêu cầu công suất cao, thiết bị tự động hóa (robotics)…

Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials chia sẻ: “Chỉ sau hai năm tích hợp HCS vào MHT, chúng tôi đã mở rộng phạm vi hoạt động và đặc biệt, tăng cường năng lực kinh doanh thông qua việc sở hữu cổ phần đáng kể tại Nyobolt. Chúng tôi rất mong muốn cộng tác cùng Nyobolt để phát triển và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tăng cường cơ hội hợp tác sản xuất, và thúc đẩy quá trình thương mại hóa để đưa các sản phẩm pin tuyệt vời của Nyobolt sớm ra mắt thị trường; đồng thời, cung cấp các vật liệu chiến lược tiên tiến xuyên suốt toàn chuỗi giá trị thiết yếu cho quá trình sản xuất pin của Nyobolt”.

Theo Hà Khanh/Thanh niên