Khoản tài trợ không hoàn lại này thuộc chương trình 8 triệu USD “Tăng cường sự lành mạnh và phát triển của ngành ngân hàng” do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và Ngân hàng Thế giới (World Bank) quản lý.
Ngày 1/10, World Bank và Ngân hàng Nhà nước đã ký kết hiệp định viện trợ cho khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 2,2 triệu USD do SECO cung cấp để thực hiện dự án “Tăng cường sự lành mạnh và phát triển của ngành ngân hàng”.
Dự án nhằm tăng cường sự lành mạnh và khả năng chống chịu của ngành ngân hàng thông qua việc nâng cao năng lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc giải quyết các hạn chế về mặt cấu trúc trong hệ thống ngân hàng.
Dự án chủ yếu tập trung vào bốn 4 trụ cột chính nhằm tăng cường: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quy định khu vực ngân hàng; Khuôn khổ thanh tra, giám sát và quản lý ngân hàng; Xử lý nợ xấu và hỗ trợ các ngân hàng; Khuôn khổ ổn định tài chính và an toàn vĩ mô.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 5 năm, từ 2019 – 2023, nhằm hỗ trợ cho các đơn vị trong Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan thực hiện cải cách theo kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020, triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém. Hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý an toàn vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước để xác định, phân tích và quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam đánh giá: Ngành ngân hàng lành mạnh có tính chất quyết định đối với tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia. Qua việc chia sẻ những kinh nghiệm phát triển ngành ngân hàng tốt nhất, chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu đã cam kết.
World Bank cam kết hợp tác cùng Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường khuôn khổ pháp lý cho ngành ngân hàng, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng và thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Dự án cũng giúp Ngân hàng Nhà nước dự đoán và chống chịu các cú sốc tốt hơn, nâng cao năng lực giám sát phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ tốt trên thế giới, hỗ trợ phát triển thị trường nợ và nâng cao năng lực cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam để có thể quản lý tốt các khoản nợ xấu.
Theo Chi Lê/Người tiêu dùng