Thủy sản khởi sắc cùng FTA

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do ghi nhận sự tăng trưởng tích cực và sẽ có vai trò đáng kể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 và những năm tới.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 5/2021 xuất khẩu thủy sản tiếp tục đà hồi phục khả quan khi kim ngạch đạt gần 790 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. VASEP nhận định, nguồn cung nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu hiện nay khá ổn định, nhất là với các mặt hàng tôm, cá tra. Do vậy, yếu tố chính quyết định sự phục hồi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại chính là thị trường, mà Mỹ, EU và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là những thị trường có vai trò chi phối tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang có động lực hồi phục mạnh không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí sau khi nhờ triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng Covid-19 cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của chính phủ nước này. 5 tháng đầu năm 2021 kim ngach xuất khẩu tôm qua thị trường Mỹ đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ được xem là đòn bảy cho xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng tiếp theo với việc mở cửa hoàn toàn 50 bang từ ngày 20/5/2021. Cùng với đó là cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

thuy san khoi sac cung fta
Ảnh minh họa

Cá ngừ, cá tra cũng được dự báo sẽ có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 130 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng lên tới 136% trong tháng 4 và khoảng 200% trong tháng 5, đưa kết quả xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 lên 135 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường EU cũng đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục rõ rệt và các nhà nhập khẩu EU có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và nguồn nguyên liệu ổn định. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đạt gần 95 triệu USD trong tháng 5, tăng 30%. Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, tôm vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 50% với gần 199 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực và sẽ có vai trò đáng kể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 và những năm tới. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng 65%, sang Canada tăng 12%, sang Anh tăng 17%.

Các chuyên gia cho rằng sự hồi phục của ngành cùng các lợi thế riêng có của doanh nghiệp sẽ phản ánh rõ nét trong bức tranh quý II/2021. Như với CTCP Nam Việt (ANV) doanh nghiệp Top 3 về xuất khẩu cá tra ở Việt Nam, sở hữu 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 600 tấn cá nguyên liệu/ngày, mặc dù quý I/2020 doanh thu giảm 14%, nhưng biên gộp tăng lên 20,1%; trong khi các chi phí khác không thay đổi nhiều giúp lợi nhuận sau thuế tăng đến 47% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến thời gian tới, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khởi sắc hơn sẽ giúp ANV tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi chờ bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức công bố POR16 để quay lại thị trường này vào quý III/2020. Một yếu tố khác hỗ trợ đà tăng là mới đây AVN đã hoàn thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất – nuôi trồng – chế biến – đóng gói – tiêu thụ sản phẩm và việc đưa vào vận hành vùng nuôi Bình Phú với diện tích 600 ha cũng giúp tự chủ được 100% nguồn con giống. Kế hoạch kinh doanh trình đại hội cổ đông năm 2020 của AVN đặt ra doanh thu 4500 tỷ đồng tăng 30%, song lợi nhuận dự kiến sẽ tăng 90,9% so với cùng kỳ 2020.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng đã có những khởi sắc mới trong hoạt động kinh doanh quý II. Riêng, tháng 4/2021, doanh thu của doanh nghiệp tăng 61%, trong đó doanh thu từ cá tra tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 529 tỷ đồng. Trong khi doanh thu quý I/2021 chỉ tăng 9% và lợi nhuận sau thuế giảm 14%. Tháng 4/2021, doanh thu các thị trường xuất khẩu tăng mạnh. Cụ thể doanh thu từ Trung Quốc dẫn đầu tăng 246%; Mỹ tăng 130%. Hiện VHC được hưởng lợi nhờ mức ưu đãi thuế suất xuất khẩu thấp nhất (0,09 USD/kg, thấp hơn 2,7 lần so với toàn ngành). Với lợi thế từ thuế và sự hồi phục nhanh của nền kinh tế Mỹ với nhu cầu gia tăng các mặt hàng cá tra đông lạnh, thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm tới. Bên cạnh đó, hiệp định EVFTA và việc hợp nhất SGC cũng sẽ thúc đẩy tiềm năng từ các quốc gia ở EU của VHC.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất được dự báo cũng sẽ giảm từ các chính sách hỗ trợ, trong đó có ngành Ngân hàng. Đơn cử mới đây nhất, từ ngày 18/6/2021, Sacombank triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nguồn vốn ưu đãi được ngân hàng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.

Trước đó, VietinBank triển khai Chương trình ưu đãi lớn chưa từng có dành cho khách hàng doanh nghiệp đăng ký tạo hồ sơ khách hàng mới tại VietinBank hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hết ngày 31/5/2022. Khách hàng sẽ được hưởng các ưu đãi lớn về tỷ giá, giảm đến 50% các khoản phí liên quan đến sản phẩm chuyển tiền ngoại tệ – nhập khẩu – xuất khẩu; cùng với ưu đãi gói dịch vụ tài khoản và ngân hàng điện tử VietinBank eFAST như tặng tài khoản số đẹp, ưu đãi lên tới trên 20 loại phí khác nhau của các dịch vụ ngân hàng thường xuyên và thiết yếu cho doanh nghiệp với thời gian ưu đãi lên tới 3 năm.

Chi phí sản xuất giảm càng củng cố thêm lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Theo Hoa Hạ/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email