Sau nhiều cuộc đàm phán không đạt kết quả và việc Trung Quốc từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ, chiến lược của ông Trump đã có sự thay đổi lớn.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đẩy tới giai đoạn cao trào mới khi mức thuế nhập khẩu 15% của Mỹ áp lên 112 tỷ USD hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào hôm qua (1/9), làm thay đổi các quy tắc thương mại theo cách chưa từng có tiền lệ và đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng rời xa nhau.
Ông Trump nắm thế chủ động
Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài ở thời điểm hiện tại đã tăng cao hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ những năm 1960. Các khoản thuế đối với thực phẩm, quần áo, máy cắt cỏ và hàng nghìn sản phẩm khác gắn mác “made in China” được đưa ra khi Tổng thống Trump chuẩn bị áp thuế với gần như mọi lô hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Theo đánh giá từ Viện kinh tế quốc tế Peterson, động thái này sẽ nâng mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên tới 21,2% từ mức 3,1% khi Tổng thống Trump mới lên nắm quyền.
Trung Quốc trả đũa bằng cách gia tăng rào cản đối với công ty Mỹ và hàng hóa của họ, trong khi nới lỏng quy định cho các quốc gia khác. Tờ nhật báo phố Wall cho biết, sau khi giữ vị trí hàng đầu trong số các đối tác thương mại của Mỹ từ năm 2015-2018, Trung Quốc hiện đứng ở vị trí thứ 3, thấp hơn Mexico và Canada.
Các công ty Mỹ hiện nay đang phải hạn chế tiếp xúc với Trung Quốc. Một số đã chuyển dây chuyền sản xuất sang nước thứ 3 để tránh bị áp mức thuế mà dự tính có thể lên đến 30%.
Khi bắt đầu phát động chiến tranh thương mại, Tổng thống Trump tuyên bố mục tiêu của ông là cải thiện điều kiện cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước và tạo ra sân chơi bình đằng hơn cho các công ty Mỹ để cạnh tranh với đối tác Trung Quốc. Ông Trump giải thích, cách tiếp cận này sẽ giúp đảm bảo một thỏa thuận thương mại lịch sử, khiến Bắc Kinh mua hàng tỷ USD sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và ngăn chặn họ “đánh cắp” công nghệ từ các công ty Mỹ.
Nhưng sau nhiều tháng đàm phán bị đình trệ và việc Trung Quốc từ chối nhượng bộ trước các yêu cầu của Mỹ, chiến lược của ông chủ Nhà Trắng đã có bước thay đổi lớn. Tổng thống Trump – người từng nhấn mạnh quan điểm coi Trung Quốc là đối thủ chính về kinh tế và địa chính trị kể từ chiến dịch tranh cử năm 2016, gần đây đã ủng hộ sự “chia cắt” nhanh chóng giữa hai quốc gia từng phụ thuộc vào nhau về mặt kinh tế suốt hơn hai thập kỷ qua.
Cách đây hơn 1 tuần, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đe dọa sử dụng quyền hạn ban bố tình trạng khẩn cấp của ông để buộc các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc. Các trợ lý của ông Trump thậm chí còn nói rằng, điều tiếc nuối nhất của Tổng thống là đã không tăng thuế cao hơn.
Biến chiến tranh thương mại thành “vũng lầy”
Những mục tiêu đầy mâu thuẫn của nhà lãnh đạo Mỹ, trong đó có việc đưa Trung Quốc trở thành một thị trường công bằng hơn cho các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh song song với trừng phạt những công ty đang hoạt động ở đây, đang có nguy cơ biến một cuộc cạnh tranh hạn chế thành một “vũng lầy” kéo dài và tốm kém, mà chưa rõ Mỹ hay Trung Quốc sẽ làm thế nào để rút lui.
Scott Kennedy, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ cho biết: “Đối với những người ủng hộ thuế quan làm công cụ để đưa Trung Quốc đến bàn đàm phán nhằm tiến tới thỏa thuận lớn, tất cả điều này dường như không quan trọng. Những tổn thương nó gây ra đều vô nghĩa. Và đối tượng chịu tổn thương sẽ là những công ty hoặc doanh nghiệp bị bạn chế xuất khẩu, người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn trong khi có ít lựa chọn hơn”.
Ông Trump vẫn có thể đảo ngược tình thế nếu Trung Quốc chịu nhượng bộ, hoặc nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu, thậm chí có dấu hiệu suy thoái, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra vào năm 2020. Nhưng cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại có chiều hướng giảm nhẹ, nếu có thì chỉ là những tuyên bố đơn thuần. Cuộc đàm phám giữa các phái đoàn thương mại của Mỹ và Trung Quốc vào tháng 7/2019 không có sự đột phá và hai bên có thể gặp lại trong tháng 9 này, nhưng kết quả cũng không mấy lạc quan.
Wendy Cutler, từng là nhà đàm phán thương mại của Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á cho biết nhận xét: “Tôi cho rằng một trong những lý do khiến Mỹ và Trung Quốc không thể đạt thỏa thuận là bởi Mỹ đang có những mục tiêu đầy mâu thuẫn trong chính quyền. Điều đó đã khiến Trung Quốc không chắc chắn về vấn đề mà họ phải đương đầu”.
Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định các đòn áp thuế của ông đang gây tổn thương cho Trung Quốc chứ không phải các công ty Mỹ. Hôm 30/6, ông Trump lưu ý, phản ứng trước biện pháp đánh thuế mới, các công ty Mỹ đã lần lượt rời Trung Quốc và diễn biến này đã tạo cho Mỹ một vị trí đàm phán thuận lợi đến kinh ngạc. Ông nhấn mạnh, bất cứ doanh nghiệp nào phàn nàn về nỗi đau tài chính do thuế quan đều bỏ qua “thủ phạm chính” gây ra rắc rối cho họ. “Có nhiều công ty hoạt động yếu kém đang cố tình đổ lỗi cho thuế quan. Nói cách khác họ đang vận hành một cách rất tồi hoặc họ không may mắn theo một cách nào đó. Nhưng đó không phải là do thuế quan. Đó gọi là quản lý yếu kém”, ông Trump nói.
Trong khi mạnh tay giáng đòn thuế quan, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục tìm kiếm các biện pháp khác để hạn chế công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ đang đẩy mạnh biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, hạn chế các công ty Mỹ bán công nghệ nhạy cảm như như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử, cho các công ty Trung Quốc. Bộ này cũng đưa một số công ty công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn như tập đoàn viễn thông Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm những công ty này mua công nghệ nhạy cảm của Mỹ.
Đảo ngược xu thế
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến bất cứ ai làm những điều như Tổng thống Trump đã làm. Giống như thể đó là một tiêu chuẩn mới”, Chad P. Bown, học giả tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói.
Nghiên cứu của chuyên gia Bown cho thấy cuộc chiến thương mại đang bước vào thời kỳ leo thang nhanh chóng. Thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc gần như không đổi từ tháng 10/2018 đến khoảng giữa năm 2019. Nhưng sau khi cuộc đàm phán giữa hai bên sụp đổ vào tháng 5/2019, Tổng thống Trump đã bắt đầu tiến trình tăng thuế dồn dập đối với Trung Quốc, khoảng 12 điểm % trong sáu tháng, và cuối cùng sẽ đánh thuế phần lớn hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ USD và tạm dừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
“Cuộc chiến thương mại đã diễn ra chậm chạp trong một thời gian, nhưng mọi thứ đang bùng nổ nhanh chóng”, ông Bown nói.
Mỗi đợt tăng thuế đã đưa Mỹ đi theo chiều hướng ngược lại với chính sách thương mại mà nước này thực hiện nhiều thập kỷ nay. Sau nhiều năm cố gắng giảm thuế và khuyến khích chính sách thương mại tự do, Mỹ hiện đang áp mức thuế trung bình với hàng hóa nước ngoài cao hơn nhiều so với các nước như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Torsten Slok, kinh tế trưởng tại Deustche Bank Securities cho biết.
Theo nhà kinh tế Torsten Slok, thuế quan của Mỹ đã luôn đi theo xu hướng giảm trong suốt 200 năm qua. “Giờ mọi thứ đang đảo ngược với mức thuế tăng cao tới mức chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ”, ông nhận xét.
Cuộc chiến thương mại đang nhanh chóng định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 12% trong nửa đầu năm 2019, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19%. Thời gian gần đây, một số công ty đa quốc gia tuyên bố họ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro và các nhà bán lẻ quần áo như Express hay Abercrombie & Fitch cho biết họ sẽ chuyển chuỗi cung ứng sang các trung tâm sản xuất mới nổi khác.
Tuy nhiên, quyết định này đòi hỏi các công ty phải đầu tư đáng kể vào việc xây dựng những cơ sở mới, tìm kiếm và đào tạo nhân công. Quá trình như vậy tốn rất nhiều thời gian và công sức, khó có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều”.
Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi
Trong khi đó, Yi Xiong, nhà kinh tế Trung Quốc tại Deutsche Bank cho biết, 18 tháng mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại có thể kéo dài như cuộc chiến thương mại hơn 1 thập kỷ giữa Mỹ và Nhật, từng xảy ra vào những năm 1980.
“Tôi cho rằng Trung Quốc không đặt mục tiêu nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại và không cố gắng đáp trả Mỹ mạnh mẽ hết sức có thể. Chiến lược của Bắc Kinh là đặt ra một kế hoạch dài hạn, có thể tiến xa hơn nhiệm kỳ của chính quyền Mỹ hiện tại”, ông Yi Xiong nói.
Hôm 1/9, Trung Quốc bắt đầu áp thuế 33% đối với sản phẩm đậu nành nhập khẩu từ của Mỹ, trong khi sản phẩn tương tự từ Brazil hay Argentina chỉ chịu mức thuế 3%. Vào ngày 15/12, Trung Quốc sẽ bắt đầu đánh thuế ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ ở mức 42,6%, so với 12,6% đối với Đức hoặc Nhật Bản.
Ông Donald Straszheim, trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc của Evercore, nhận xét: “Quan hệ Trung-Mỹ đã giảm xuống một mức đáy mới. Cả hai bên đều vẫn có những ‘giới hạn đỏ’ không tương thích với nhau, trong đó có các vấn đề chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường, tỷ giá, và cơ chế thực thi một thỏa thuận nếu có”.
Hồng Anh
Theo vov.vn