Ngành Công Thương tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đặc biệt là CPTPP và EVFTA.
Tình hình quốc tế vốn đã có những chuyển biến lớn, phức tạp, nhanh và khó lường đặc biệt là từ các xung đột nghiêm trọng giữa một số nền kinh tế lớn, nay với tác động của Đại dịch Covid-19 đang trở nên ngày càng gay gắt hơn. Kinh tế toàn cầu được đánh giá là đã bước vào giai đoạn suy thoái diễn ra ở hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế – thương mại – đầu tư. Song “việc các quốc gia trên thế giới ứng phó với dịch bệnh sẽ tạo nên sự thay đổi trong việc khai thác công nghệ trong cả đời sống và sản xuất. Quá trình chuyển đổi số ở cả doanh nghiệp và người dân đã và đang diễn ra trên diện rộng, vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội lớn cho các quốc gia tận dụng để chuyển đổi, tăng tốc phát triển”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định.
Nhìn vào trong nước, Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh. Lòng tin của doanh nghiệp trong nước và các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam đang được củng cố mạnh mẽ. Những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng trong thời gian tới được giữ vững. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tăng trở lại ở mức 11,2% so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,8%. Chỉ số quản trị mua hàng PMI tăng 10 điểm so với tháng 4, đạt 42,7 điểm (là mức cao nhất trong các nước ASEAN và nhiều nước trong khu vực). Nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt duy trì được mức tăng tích cực: Xuất khẩu sang Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước, Trung Quốc tăng 20,1%, Nhật Bản tăng 2,2%…
Điểm đáng lưu ý, là kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI bao gồm cả dầu thô giảm 6,9%). Đặc biệt theo Tổng cục Hải quan, sau 5 tháng, cán cân thương mại tiếp tục duy trì thặng dư ở mức 3,54 tỷ USD, đóng góp vào ổn định các nền tảng vĩ mô của nền kinh tế.
Một điểm tựa khác cho phục hồi sản xuất và xuất khẩu đến từ việc Bộ Công thương triển khai Kế hoạch hành động với 3 nhóm vấn đề cốt lõi nhất vừa xử lý những khó khăn vướng mắc cấp bách trước mắt, vừa thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, tạo đà cho tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo. Trong đó, ngành Công thương tập trung củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Bộ Công thương đã trình Chính phủ Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã trình Chính phủ xem xét, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng mới.
Thứ hai là tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đặc biệt là CPTPP và EVFTA. Đã thực hiện ngay việc rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, tận dụng có hiệu quả các cam kết hội nhập, đặc biệt là những cơ hội mới trong các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP… để thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử. Trong đó, bộ đã chỉ đạo xây dựng “Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử” để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Theo Dương Công Chiến/Thời báo Ngân hàng