Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt-Trung trong bối cảnh mới

Ngày 14/2, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt-Trung trong bối cảnh mới.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hướng đến sự bền vững - Ảnh 1.
Sầu riêng Việt Nam đang được thị trường Trung Quốc đón nhận – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thực hiện nghiêm các quy định nhập khẩu

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trung Quốc là một đối tác lịch sử, truyền thống và mang tính định hướng lâu dài. Chúng ta cần làm tốt công tác giao thương thương mại, bởi điều ấy góp phần nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, giúp định hình, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt – Trung.

Nhắc lại quan hệ buôn bán hai nước từ thời còn giao thương qua đường mòn, lối mở, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng thương nhân Trung Quốc đã mang nhiều kỹ thuật canh tác sang Việt Nam; thành tựu ngành nông nghiệp thời gian có nhiều đóng góp của thương nhân Trung Quốc, bởi họ giúp giảm tình trạng thả nổi, sản xuất theo quán tính của bà con nông dân.

Thông qua những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen, vì vậy việc thích ứng với những lệnh của thị trường nhập khẩu giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển bền vững. Và năm 2023 được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem là năm ngành chuẩn hóa các công tác quản lý, từ khâu canh tác, logistics, cũng như quan hệ thương mại với các nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, thị trường thế giới ngày càng trở nên khó đoán. Nhà sản xuất giờ không những phải đối đầu với biến đổi khí hậu mà còn phải ứng phó với biến chuyển xu thế tiêu dùng. Áp lực cạnh tranh giờ không dừng lại ở từ các nước láng giềng mà thậm chí đến từ chính thị trường trong nước.

Một điểm nữa được Bộ trưởng nhắc đến là “sức ì” khi đâu đó xuất hiện tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận. Ông cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết: “Gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhập khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam rất được chú ý. Lệnh 248 và 249 dựa trên các quy định trước đó của Trung Quốc, hoàn toàn không phải “chuyện bất ngờ”, chú trọng vào vệ sinh an toàn thực phẩm, quy rõ trách nhiệm của từng khâu”.

Các Lệnh 248, 249 cũng nằm trong chỉnh thể hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, bảo vệ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các khâu truy xuất mã vùng trồng, vùng nuôi, đóng gói, vận chuyển,… đều được tách bạch.

Ông Lỗ Siêu đề nghị các doanh nghiệp hai nước vào trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xem xét cụ thể loại nông sản, thủy sản nào cần đăng ký để xuất khẩu chính ngạch, loại nào cần có đảm bảo của doanh nghiệp Trung Quốc, thông qua kênh chính thức.

Tại trang web này, doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt các quy định liên quan, cơ quan phụ trách xử lý vấn đề, các bước đăng ký. Hạn mức xuất nhập khẩu, quy trình xét nghiệm, các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ghi rõ.

Sau khi đăng ký, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có phản hồi, hỗ trợ, hậu kiểm. Ngoài việc tuân thủ quy định liên quan, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể chủ động đưa ra yêu cầu phù hợp với thực tế.

“Tổng cục Hải quan Trung Quốc luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu lành mạnh, nguyên tắc cao nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lỗ Siêu nói.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỉ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỉ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỉ trọng hơn 80%. Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất (tỉ trọng 91,47%); cao su chiếm tỉ trọng 71,91%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn