Dịch tả heo châu Phi lan sang châu Âu, gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu. Lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 cũng khiến các nhà hàng đóng cửa, tạo áp lực lên nhu cầu trong nước.
Đức – quốc gia sản xuất thịt heo hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) – không thể xuất khẩu thịt sang các thị trường hàng đầu châu Á vì đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi hồi tháng 9. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng vì dịch Covdi-19 cũng khiến nhiều nhà hàng Schnitzel bán thịt heo và xúc xích đóng cửa.
Giá heo xuất chuồng tại Đức sụt giảm 40% so với tháng 3. Trong khi đó, giá thịt rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Nhiều nước châu Âu hưởng lợi khi nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc tăng kỷ lục. Tuy nhiên, một số khác cũng đối mặt với những trở ngại. Việc tiêu thụ chậm chạp vì ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi khiến hàng trăm nghìn con heo bị tồn ở các trang trại của Đức.
Theo hiệp hội nông dân chăn nuôi tại Đức, mỗi nông dân Đức lỗ khoảng 60 euro (71 USD) trên mỗi con heo. Một số có thể phải ngừng hoạt động kinh doanh nếu không được chính phủ hỗ trợ. “Dù Trung Quốc tiêu thụ một lượng thịt heo rất lớn, điều đó vẫn không đủ để nâng giá”, ông Max Green, nhà phân tích chăn nuôi tại IHS Markit, nhận định.
EU là nhà vận chuyển heo lớn nhất thế giới. Các hạn chế thương mại ở Đức đồng nghĩa với việc nông dân Đan Mạch bán ít động vật non qua biên giới hơn. Ông Rupert Claxton, giám đốc tại hãng tư vấn Gira, dự đoán có thể mất ít nhất sáu tháng để cân bằng cung cầu.
Trung Quốc cũng đã chỉ đạo các công ty nhập khẩu khử trùng tất cả sản phẩm dây chuyền lạnh, khiến quá trình mua bán trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, doanh số có thể gia tăng khi kết thúc phong tỏa và nhà hàng mở cửa trở lại.
Ông Jais Valeur, CEO Crown Group (Đan Mạch), cho rằng nhu cầu tại châu Á sẽ vẫn tăng mạnh mẽ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo tiêu thụ thịt heo châu Âu có thể tăng 1,3% vào năm 2021, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ.
Theo Thảo Cao/Zingnews.vn