Sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao nhất gần hai tuần, được thúc đẩy bởi lo ngại lạm phát gia tăng và căng thẳng Nga – Ukraine. Kể từ đầu tuần trước, giá vàng đã tăng từ mức thấp 1.786 USD/oz lên thêm khoảng 41 USD/oz, giá trị của vàng đã tăng 2,29% trong bảy phiên giao dịch vừa qua.
Tính đến 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 1,5 USD/oz (+0,08%) so với cuối phiên trước lên mức 1.822,6 USD/oz, giao dịch đang dao động trong khoảng 1.815,3 – 1.829,7 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng hợp đồng tương lai tháng 4/2022 giảm 0,6 USD/oz (-0,03%), hiện giao dịch ở quanh mức 1.827,3 USD/oz.
Chốt phiên hôm qua (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,4%, trong phiên có lúc giá đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 26/1 ở 1.828,12 USD; trong khi giá vàng tương lai cũng tăng 0,3%.
Theo các chuyên gia, giá vàng tăng lên mức cao nhất gần hai tuần, được thúc đẩy bởi lo ngại lạm phát gia tăng tại Mỹ và căng thẳng Nga – Ukraine, trong khi kỳ vọng về việc Mỹ tăng lãi suất đã hạn chế mức tăng của kim loại quý này.
Kể từ đầu tuần trước, giá vàng đã tăng từ mức thấp 1.786 USD/oz lên thêm khoảng 41 USD/oz, giá trị của vàng đã tăng 2,29% trong bảy phiên giao dịch vừa qua.
Giá vàng bắt đầu đà tăng từ đầu tháng Hai bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và dự đoán ngày càng vững chắc rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng Ba. Thông thường, việc thắt chặt tiền tệ của Fed và lợi suất trái phiếu tăng sẽ tạo ra áp lực đối với vàng, nhưng sức ép lạm phát hiện tại đã giữ cho giá vàng tăng cao khi thị trường quan tâm đến yếu tố này nhiều hơn.
Tháng 12/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 7,0% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong 40 năm. Vào thứ Năm tuần này, chỉ số CPI của tháng Một sẽ được công bố và được dự báo sẽ tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Dựa trên mức độ lạm phát hiện tại, Fed đang phải đối mặt với một thách thức lớn là làm thế nào để kiềm chế lạm phát mà không gây ảnh hưởng lớn đến sự phúc hồi của nền kinh tế. Với nhiều nhà phân tích kinh tế, Fed đã phản ứng quá chậm và có thể sẽ tiếp tục mắc sai lầm.
Sai lầm ban đầu của Fed là họ tin rằng áp lực lạm phát chỉ là nhất thời và sẽ nhanh chóng giảm bớt. Họ đã đánh giá thấp những nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát hiện nay và việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% sẽ là cả một quá trình mất nhiều năm để thực hiện.
“Có nhiều cách tiếp cận với một số dữ liệu lớn sẽ được công bố vào cuối tuần này. Vàng đã cho thấy nó đang hình thành mức hỗ trợ vững chắc xung quanh 1.800 USD/oz và đây sẽ là một tuần quan trọng đối với vàng”, chuyên gia phân tích thị trường tại OANDA, Edward Moya nói.
Ở quan điểm thận trọng hơn, nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX lưu ý rằng: “Nếu số liệu lạm phát đúng như dự kiến (tăng 7,3% so với cùng kỳ) hoặc cao hơn, đồng đô la Mỹ cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ mạnh lên khiến vàng chịu áp lực giảm đáng kể”.
Tại thị trường trong nước, sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 61,80 – 62,55 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 61,80 – 62,57 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TP.HCM và Hà Nội đang được niêm yết ở 61,40 – 62,70 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200 nghìn đồng/lượng ở giá bán ra so với cuối phiên trước.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng