Giá vàng tiếp tục “chùng chình” trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai để dự đoán những bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tính đến 9h sáng nay (8/12) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 0,6 USD/oz (+0,03%) so với cuối phiên trước lên 1.784 USD/oz, giao dịch đang dao động trong khoảng 1.779,4 – 1.794,5 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng hợp đồng tương lai tháng 2/2022 giảm 0,5 USD/oz (-0,03%), hiện giao dịch ở quanh mức 1.785 USD/oz.
Chốt phiên hôm qua (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai dao động nhẹ quanh mức giá hiện tại.
Giá vàng tiếp tục “chùng chình” trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai để dự đoán những bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Nhưng chỉ số bạc xanh giảm làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
“Áp lực duy nhất mà vàng phải nhận hiện nay là đà tăng lợi suất trái phiếu, nhưng mức tăng là khá nhỏ”, Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures nói.
Ở góc nhìn của mình, Giám đốc điều hành DoubleLine, Jeffrey Gundlach, cho rằng giá vàng đang khá “lững lờ” và “ổn định một cách đáng kinh ngạc”.
“Vàng và bạc đang “đơn độc” trong thị trường hàng hóa. Chúng không hề tăng giá”, ông nói và thêm rằng để vàng tăng giá thì đồng đô la Mỹ cần phải đảo chiều. “Bạc xanh là một trở lực đối với vàng. Tôi tin rằng khi bạc xanh giảm, vàng sẽ tăng giá”.
Gundlach cũng cho rằng nên tiếp tục giữ vàng như trong một “cuộc thi ma-ra-tông”, bởi dự đoán về bạc xanh dài hạn của ông là “giảm giá mạnh”, với kỳ vọng bạc xanh sẽ yếu hơn trong nửa cuối năm 2022 hoặc 2023 do thâm hụt kép ở Mỹ.
Dữ liệu CPI ngày mai sẽ rất quan trọng đối với các nhà đầu tư vì nó sẽ là yếu tố quyết định tốc độ giảm dần kích thích kinh tế của Fed, có khả năng bắt đầu ngay trong tháng này.
Phía “diều hâu” có thể sẽ kêu gọi tăng lãi suất vào tháng 3/2022 nếu dữ liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ cao hơn dự kiến.
”Với việc tăng tốc giảm mua tài sản và ba đợt tăng lãi suất được dự báo vào năm 2022, giá vàng được xác định sẽ tăng, với rủi ro địa chính trị và rủi ro dịch bệnh có thể là chất xúc tác”, các nhà phân tích tại TD Securities nhận định.
Tại thị trường trong nước, tính đến 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 60,25 – 60,95 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 60,25 – 60,97 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán ra so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TP.HCM đang niêm yết ở mức 60,20 – 60,90 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng DOJI đang niêm yết ở mức 60,25 – 60,95 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng