Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù chuyển động của giá vàng hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng đồng bạc xanh mạnh lên đang là áp lực trực tiếp nhất đối với vàng.
Tính đến 9h sáng nay (24/3) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 4,5 USD/oz (+0,26%) so với cuối phiên trước, lên mức 1.731,9 USD/oz; giao dịch trong phiên dao động quanh mức 1.723,6 – 1.743,6 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng hợp đồng tương lai tháng 4/2021 tăng 4,9 USD/oz (+0,28%) so với cuối phiên trước, niêm yết ở mức 1.730 USD/oz.
Chốt phiên hôm qua (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay giảm 0,6%, trong khi giá vàng tương lai tháng 4 giảm 0,8%.
Hôm qua, giá vàng tiếp tục giảm khi đà tăng của đồng USD lên mức đỉnh 2 tuần đã lấn át đà giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ, trong bối cảnh Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellin có phiên điều trần trước quốc hội.
Bạc xanh hôm qua đã đóng cửa cao hơn khi chỉ số USD tăng 0,62 điểm, tương đương 0,68%.
“Mặc dù chúng tôi đã thấy lợi tức kho bạc giảm trong vài ngày qua, nhưng thị trường vẫn ở trong môi trường lãi suất tăng và điều đó là tiêu cực đối với vàng. Và giá vàng vẫn tiếp tục gặp khó trong 3 đến 6 tháng tới”, chuyên gia phân tích Michael Armbruster, đối tác quản lý tại Altavest nhận định.
Về triển vọng dài hạn, giá vàng vẫn rất lạc quan nếu dự luật kích thích mới trị giá 3 nghìn tỷ USD được quốc hội Mỹ thông qua, nhưng trước mắt, vàng đang bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Và điều này có thể khiến lãi suất tăng sớm hơn dự kiến, Michael Armbruster lưu ý.
“Chúng tôi thấy giá vàng đang phải chịu áp lực bán do một số yếu tố như: Sức mạnh của đồng bạc xanh, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, cũng như việc nhà đầu tư tái cân bằng danh mục. Các yếu tố này tạo lợi thế cho cổ phiếu Mỹ hơn là tài sản trú ẩn an toàn”, ông nói thêm.
Ở góc nhìn khác, Philip Streible, chiến lược gia kim loại quý tại Blueline Futures, cho biết: “Hiện tại, với những biến động của lợi suất và đồng USD, thì chuyển động của giá vàng vẫn không thực sự rõ ràng”.
Trong khi đó, David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho rằng đà tăng của đồng USD, trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế cải thiện, đang khiến vàng chịu áp lực.
“Để thoát khỏi xu hướng giảm giá hiện tại, đặc biệt là với sự phục hồi của đồng USD đang gây cản trở, trước tiên vàng phải phá vỡ mức trung bình động 50 ngày để phát đi một tín hiệu tốt cho xu hướng tăng giá”, chuyên gia phân tích thị trường Han Tan của FXTM nói.
Tại thị trường trong nước, tính đến 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 55,10 – 55,50 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả giá mua vào bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 55,10 – 55,52 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả giá mua vào bán ra so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng DOJI được niêm yết tại Hà Nội và 55,10 – 55,50 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở giá mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở giá bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại TP. HCM giá vàng DOJI được niêm yết ở mức 55,10 – 55,50 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả giá mua vào bán ra so với cuối phiên trước đó.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng