Vàng bị kẹt giữa một bên là đà tăng của bạc xanh gây sức ép lên kim loại quý này, còn một bên khác thì sự suy giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro lại đang hỗ trợ giá vàng.
Tính đến 8h sáng nay (20/7) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 2,9 USD/oz (+0,16%) so với cuối phiên trước, lên mức 1.815,5 USD/oz, giao dịch trong phiên dao động quanh mức 1.794,6 – 1.816,8 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng hợp đồng tương lai tháng Tám tăng 4,6 USD/oz (+0,25%) so với cuối phiên trước, hiện niêm yết ở mức 1.813,8 USD/oz.
Tiếp tục phiên thứ hai trong tuần giá vàng tăng vào buổi sáng, nhưng thị trường đặt câu hỏi rằng liệu kim loại quý này có mất đà trong phiên chiều?
Phiên hôm qua, sau khi tăng trong giao dịch sáng sớm thì giá vàng giao ngay đã giảm 0,3% trong ngày; trong khi giá vàng tương lai giảm 0,2%.
Một thực tế là giá vàng rất nhạy cảm với sự tăng hay giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ, và thường có mối tương quan nghịch. Nhưng hôm qua, thị trường đã chứng kiến điều hoàn toàn bất thường khi lợi suất trái phiếu xuống mức thấp nhất trong 10 năm và giá vàng cũng giao dịch thấp hơn trong ngày.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giá vàng giảm hôm qua có nguyên nhân chính đến từ sức mạnh của bạc xanh, khi chỉ số bạc xanh tăng +0,17%.
Trong khi đó, số ca lây nhiễm do biến thể Delta của vi-rút SARS-CoV-2 ngày càng tăng đang khiến các thị trường cổ phiếu trên toàn cầu cũng như Mỹ đều giảm mạnh, với chỉ số Dow Jones giảm -2,09%, NASDAQ giảm -1,06% và S&P 500 giảm -1,59%.
“Vàng bị kẹt giữa một bên là đà tăng của bạc xanh gây sức ép lên kim loại quý này, còn một bên khác thì sự suy giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro lại đang hỗ trợ giá vàng”, Ricardo Evangelista, chuyên gia phân tích cấp cao tại ActivTrades, nhận định.
Theo các chuyên gia, ở một số thời điểm, nếu bạc xanh chịu áp lực với sự gia tăng đột biến của dịch bệnh thì vàng được hưởng lợi, đặc biệt khi cân nhắc đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ít chịu áp lực hơn đối với việc tăng lãi suất sớm.
Tuy nhiên, mối quan tâm trước mắt đối với các thị trường là liệu chúng ta có thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại hay không. Đây có thể là yếu tố dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ đối với đồng bạc xanh, đặc biệt là khi tất cả các dữ liệu hiện tại đều chỉ ra khả năng Fed sẽ giữ quan điểm “diều hâu” hơn.
“Kể từ lần họp gần nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), thị trường lao động, doanh số bán lẻ và lạm phát đều tăng rất mạnh. Trong khi sự gia tăng các trường hợp COVID-19 là một mối lo thường trực, có một rủi ro là thị trường đang trở nên quá kỳ vọng vào chính sách ôn hòa mà Fed sẽ tiếp tục đưa ra trong tuần tới”, các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, với những thông tin hiện nay, có thể sẽ dẫn đến lý thuyết “đồng đô la cười” trở thành sự thật và là trở lực cho giá vàng trong ngắn hạn.
Lý thuyết “đồng đô la cười” chỉ việc đồng đô la lúc đầu tăng khi nhà đầu tư lo ngại rủi ro, sau đó nó đi xuống do kinh tế Mỹ suy yếu, và sau đó tăng trở lại khi tăng trưởng kinh tế mạnh lên.
Tại thị trường trong nước, tính đến 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 56,90 – 57,55 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 56,90 – 57,57 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TP.HCM niêm yết ở mức 56,80 – 57,45 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội giá vàng DOJI được niêm yết ở mức 56,85 – 57,55 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng