Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với lãi suất cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và thiếu định hướng có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường. Những quy định để quản lý chặt chẽ hơn việc phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đã và sắp được ban hành, sẽ giúp hạn chế rủi ro, đưa thị trường phát triển đúng hướng.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh
Theo tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong tháng 8-2020, 38.399 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, tăng gần gấp đôi so với tháng 7-2020. Dẫn đầu danh sách phát hành trái phiếu doanh nghiệp là các công ty bất động sản với 11.670 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,39%. Tiếp đó là các tổ chức tín dụng, với 10.038 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 26%. Lũy kế 8 tháng năm 2020, có tới 237.729 tỷ đồng được các doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu.
Đáng chú ý, lãi suất trái phiếu riêng lẻ trong nhóm trái phiếu bất động sản có trường hợp đã lên tới 18%/năm. Trước đó, trong nửa đầu năm 2020, trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất bình quân 9,3%/năm, tập trung vào những kỳ hạn ngắn (chưa đến 4 năm); thị trường ghi nhận mức lãi suất cao nhất là 13%/năm. Có một số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng lớn. Điều đáng nói, lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh, đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu.
Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Đức Hoàng, chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, nếu không đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, nhà đầu tư có thể mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán các khoản lãi hoặc gốc trái phiếu đến hạn.
Phân tích thêm, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, một mặt việc huy động trái phiếu lãi suất cao đặt áp lực kinh doanh rất lớn lên doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án, nên nếu gặp khó khăn, không trả được nợ gốc và lãi trái phiếu, sẽ gây bất ổn cho thị trường.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tăng trưởng nhanh về quy mô, ở mức tương đương 11,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2019. Theo Bộ Tài chính, ở mặt tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng, bên cạnh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và thiếu định hướng cũng đặt ra một số rủi ro đối với thị trường này.
Tăng cường quản lý việc phát hành, đầu tư trái phiếu
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, trước hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, Bộ Tài chính đã cung cấp thông tin để Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý, giám sát việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị của Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý việc phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra liên bộ để kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ, đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Hoàng Dương thông tin.
Thực tế cho thấy, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp có phần dễ dãi khi doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp, không bị giám sát dòng tiền vẫn có thể huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chủ yếu quan tâm đến lãi suất. Tuy nhiên, tình trạng này có lẽ sẽ sớm chấm dứt khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9-7-2020 sửa đổi Nghị định số 163/2018/ NĐ-CP ngày 4-12-2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-9-2020. Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện phát hành được siết chặt; khối lượng phát hành theo phương thức riêng lẻ được khống chế; khoảng cách giữa các đợt phát hành tối thiểu là 6 tháng; doanh nghiệp phải công bố thông tin về mục đích phát hành trái phiếu để nhà đầu tư giám sát…
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, các quy định này là rất cần thiết, buộc doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Do đó, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, qua đó hạn chế thấp nhất rủi ro, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đúng hướng.
Theo Hương Thủy/Báo Hà Nội mới