Thị trường rung lắc mạnh, VN-Index tăng nhẹ với lực kéo từ bluechip

Sự rung lắc đã diễn ra ngay từ khi bắt đầu phiên giao dịch đầu tuần (22/2), khi các chỉ số liên tục đảo chiều trong phiên. Dù có thời điểm chỉ số đã bật tăng khá mạnh mẽ nhưng cũng nhanh chóng hạ nhiệt trong bối cảnh tâm lý thận trọng gia tăng.

Kết thúc phiên, đà hồi phục mạnh của cổ phiếu VHM, PLX, ACB, HVN… đã giúp VN-Index tăng nhẹ 1,54 điểm (0,13%) lên 1.175,04 điểm; HNX-Index tăng 2,94% lên 237,97 điểm; UPCoM-Index tăng 0,58% lên 76,57 điểm.

thi truong rung lac manh vn index tang nhe voi luc keo tu bluechips

Bên cạnh đó, sắc xanh của nhóm cổ phiếu bất động sản như VIC, NVL, DXG, VPI… cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường chung.

Tuy nhiên, sự phân hóa mạnh trong nhiều nhóm ngành có tính thị trường cao như ngân hàng, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ… với ưu thế nghiêng về bên bán khiến thị trường chịu áp lực lớn. Đồng thời, khá nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn như VCB, GAS, SAB, VRE, VNM, GVR… điều chỉnh cũng khiến thị trường khó có thể bứt phá.

Thanh khoản thị trường vẫn đang được duy trì khá tích cực với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 17.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi các nhà đầu tư bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng khá mạnh với 19,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 613,42 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào các bluechip như VNM, HPG, SSI… Trên HNX, sau 4 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã trở lại mua ròng 11 tỷ đồng. Còn trên UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 10,61 tỷ đồng

Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết, ảnh hưởng từ sự phân hóa của chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch hôm nay. Thị trường Việt Nam tiếp tục giằng co mạnh và chỉ giữ được sắc xanh nhờ sự bứt phá của một số cổ phiếu trụ cột. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng cũng gia tăng áp lực lên thị trường.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp tục giằng co mạnh trong vùng 1.170 – 1.180 điểm với áp lực chốt lời cao. Tuy nhiên, đường MACD hướng lên và duy trì trên Signal cho thấy đà tăng của chỉ số vẫn được duy trì. Chỉ báo dòng tiền MFI và CMF vẫn đang phát đi tín hiệu tích cực. Dù vậy, thị trường có thể tiếp tục diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen bên dưới vùng 1.200 điểm để giúp tạo nền giá tích lũy trước khi được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng vượt đỉnh cũ trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư có thể duy trì vị thế trung hạn, cân nhắc bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn trong các nhịp tăng điểm và chờ cơ hội giải ngân trong các nhịp điều chỉnh.

Liên quan đến thị trường phái sinh, các hợp đồng phái sinh đồng loạt giảm điểm trong phiên. Trong đó, hợp đồng F2103 giảm 4,9 điểm xuống 1.173,1 điểm. Điểm basic hợp đồng này vẫn duy trì trạng thái âm 7,45 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá bi quan. Trong khi đó, chỉ số VN30 vẫn đang biến động trong vùng 1.170-1.190 điểm. Lực bán có phần gia tăng về cuối phiên khiến chỉ số này khá lình xình quanh mốc tham chiếu. Các chỉ báo kỹ thuật MACD, RSI, MFI… vẫn đang ủng hộ cho đà hồi phục của chỉ số.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng có thể sẽ khiến chỉ số tiếp tục giằng co trong vùng 1.170-1.190 điểm trong một vài phiên tới. Do vậy, nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược trading trong phiên với biên độ kỳ vọng mỏng trong vùng 1.170-1.190 điểm.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng