Thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX đóng cửa tháng Mười với HNXIndex đạt 412,12 điểm, tăng 15,33% so với cuối tháng Chín. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 2,69 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 59,8,2 nghìn tỷ đồng.
Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 128 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 2.848 tỷ đồng/phiên, giảm 22,4% về khối lượng giao dịch và 15,27% về giá trị giao dịch so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái thì khối lượng giao dịch bình quân phiên tăng 109% và tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 232%.
Tính đến hết tháng Mười, khối lượng giao dịch bình quân năm 2021 đạt 148 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 169% cùng kỳ năm 2020) tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.981 tỷ đồng/phiên (tăng 378% so với cùng kỳ 2020)
Giá trị vốn hóa thị trường tại thời điểm cuối tháng Mười đạt hơn 440 nghìn tỷ đồng, tăng 6,18% so với cuối tháng trước. Trong tháng Mười, thị trường niêm yết HNX có thêm 02 doanh nghiệp và có thêm 7 doanh nghiệp niêm yết bổ sung với tổng khối lượng niêm yết bổ sung đạt 107,3 triệu cổ phiếu.
Tại phiên giao dịch 29/10 tất cả các chỉ số ngành đều tăng điểm so với cuối tháng trước, trong đó ngành Xây dựng có mức tăng nhiều nhất 137,10 điểm, tương ứng 45,47%, đạt 438,65 điểm, đây cũng là mức tăng mạnh nhất của chỉ số ngành Xây dựng trong 3 tháng gần đây; chỉ số ngành Tài chính tăng 75,39 điểm (9,66%) đạt 856,13 điểm, và ngành Công nghiệp tăng 31,66 điểm (10,24%) đạt 340,73 điểm.
Các chỉ số quy mô cũng tăng điểm, chỉ số LargeCap dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn tăng 57,92 điểm (13,93%) đạt 473,75 điểm tại thời điểm cuối tháng Mười, chỉ số Mid/SmallCap dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 156,56 điểm (19,09%) đạt 976,53 điểm.
Giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX30 giảm 13,8% so với tháng trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.243 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 34,8 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,21% khối lượng giao dịch và 58,22% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong tháng Mười là LCD (CTCP Lắp máy – thí nghiệm cơ điện) tăng 160,49% (tương đương mức tăng 13.000 đồng/CP) so với tháng trước và đạt 21.100 đồng/CP; tiếp đến là các cổ phiếu PVL (CTCP Đầu tư nhà Đất Việt) tăng 147,50% (tương đương 5.900 đồng/CP), đạt 9.900 đồng/CP; cố phiếu SDA (CTCP Simco Sông Đà) tăng 123,88% (tương đương 16.600 đồng/CP) đạt 30.000 đồng/CP; Cổ phiếu L14 (CTCP Licogi 14) tăng 121,11% (tương đương 109.000 đồng/CP) đạt 199.000 đồng/CP. So với tháng trước thì cổ phiếu SDA từ vị trí dẫn đầu đã nhường lại vị trí dẫn đầu cho cổ phiếu LCD.
Về khối lượng giao dịch, trong tháng Mười, cổ phiếu PVS của CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí là cổ phiếu được quan tâm nhất trên thị trường với thị phần 7,61%, tương đương hơn 205 triệu cổ phiếu được giao dịch, tiếp theo là cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O có thị phần 4,27% với khối lượng giao dịch hơn 115 triệu cổ phiếu được giao dịch. Tính đến tháng Mười, cổ phiếu PVS đã lần đầu tiên bứt phá lên vị trí dẫn đầu về khối lượng giao dịch trong năm nay.
Tháng Mười, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sôi động, giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 482 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 817 tỷ đồng. Tính chung trong tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 335 tỷ đồng. Trong đó các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là PVI với hơn 3,39 triệu cổ phiếu, tiếp đến là CEO với hơn 3 triệu cổ phiếu, PVS với khối lượng mua hơn 0,76 triệu cổ phiếu, BCC với khối lượng mua hơn 0,75 triệu cổ phiếu.
Theo M.Hồng/Thời báo Ngân hàng