Thị trường điều chỉnh nhẹ, chỉ số VN-Index mất gần 4 điểm

Sau phiên tăng và giao dịch sôi động hôm qua (10/5), các chỉ số chính tiếp tục diễn biến tích cực khi giằng co nhẹ ở vùng giá cao trong phần lớn thời gian giao dịch ngày 11/5.

Chỉ số VN-Index và VN30 vào đầu phiên chiều đã ghi nhận mức cao nhất trong ngày tương ứng 1.272,55 điểm và 1.382,06 điểm. Cung chốt lời đã được kích hoạt từ vùng này khiến 2 chỉ số thu hẹp dần đà tăng cho đến khi đóng cửa giảm nhẹ.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index và VN30 mất lần lượt 3,54 điểm (-0,28%) và 11,47 điểm (-0,84%) về còn 1.256,04 điểm và 1.359,19 điểm. Các mã TCB, VNM, HPG, VIC, HDB, MBB khiến chỉ số VN30 giảm mạnh hơn; trong đó các mã ngân hàng chịu cung chốt lời do đã tăng rất tốt trong những phiên vừa qua. Ngược lại, STB, VPB, VIB vẫn thu hút cầu giá cao… bên cạnh sự nâng đỡ của GVR đã giúp VN-Index hạn chế biến động mạnh.

thi truong dieu chinh nhe chi so vn index mat gan 4 diem
Thị trường ngày 11/5 có phiên điều chỉnh nhẹ.

Đại diện Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, diễn biến này không bất thường khi chỉ số VN30 đã tăng tốt nhất trong tháng 4 và tuần đầu tháng 5 khiến cung chốt lời rõ nét hơn ở nhóm này.

Dòng tiền tổng thể được duy trì và có sự phân hóa với tín hiệu xoay vòng ở nhóm vốn hóa lớn. Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE trong phiên 11/5 đạt tương ứng 678 triệu cổ phiếu và 20,591 tỷ đồng, sụt nhẹ không đáng kể so với phiên hôm trước. Ở nhóm VN30, ghi nhận 8 mã tăng SBT, BID, STB, TCH, VPB, KDH, POW, PNJ… ngoại trừ STB và VPB thì 6 cổ phiếu còn lại đều giao dịch rất mờ nhạt ở các phiên trước. Tương tự ở nhóm Ngân hàng, ACB, CTG, MBB, TCB trong nhóm điều chỉnh trở lại sau các phiên tăng trong khi đà tăng duy trì ở STB, VPB, VIB và sắc xanh quay trở lại với EIB.

Nhóm Thép – Tôn mạ giằng co khá mạnh. Cung liên tục gia tăng ở HPG, HSG và NKG khiến 3 cổ phiếu biến động lên xuống liên tục mức tham chiếu trong phiên. Khi đóng cửa, trước sức ép của cung giá thấp cả 3 cổ phiếu đều mất điểm tương ứng 1,6%, 3,7% và 1,9%, tuy nhiên mức điều chỉnh này không đáng kể so với chuỗi phiên tăng giá của các cổ phiếu. Khối ngoại giao dịch ngược chiều ở nhóm này khi mua ròng HSG và NKG trong khi bán ròng HPG tuy nhiên, diễn biến tích cực ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn.

Tính chung trên HoSE, số mã tăng vẫn chiếm ưu thế với 201 mã so với 135 mã giảm. Diễn biến này giúp 2 chỉ số VNMidcap và VNSmallcap tăng 1,02% và 0,74%. EIB, DXG và GMD là động lực chính cho tăng trưởng vượt trội của chỉ số VNSmallcap, trong khi chỉ số VNSmallcap được nâng đỡ bởi DGW, HDC và SVC.

Các cổ phiếu Dầu khí cũng phân hóa khi hợp đồng tương lai giá dầu WTI và Brent cùng sụt nhẹ. PVD và PVS có phiên tăng thứ 2 liên tiếp dù đà tăng chậm lại, trong khi GAS và PLX lùi lại đóng cửa nhẹ dưới tham chiếu sau phiên tăng mạnh hôm qua. Riêng nhóm cổ phiếu Phân bón cùng ghi nhận giao dịch tích cực ở cả BFC, DPM và DCM.

Khối ngoại quay lại trạng thái bán ròng với giá trị bán ròng trên HoSE ghi nhận – 294 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở HPG (-226 tỷ đồng) và NVL (-162 tỷ đồng), phần nào gây áp lực lên giá cổ phiếu. Trong khi ở chiều mua ròng, giá trị ghi nhận đáng kể ở VPB (+175,4 tỷ đồng), MSB (+97,5 tỷ đồng), STB (+46 tỷ đồng)… bên cạnh một số cổ phiếu khác như HSG, VHM, BVH, SSI, ACV, NKG…

Dưới góc nhìn của mình, đại diện Công ty CP Chứng khoán BSC cho rằng, VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng áp lực chốt lời gia tăng vào phiên chiều đã khiến chỉ số đóng cửa với mức giảm nhẹ. Dòng tiền đầu tư gia tăng với 11/19 nhóm ngành tăng điểm mặc dù khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản không chênh lệch nhiều so với phiên hôm trước. Theo đánh giá của BSC, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co tại khu vực 1.240-1.270 điểm trong những phiên tiếp theo.

Công ty CP Chứng khoán MBS thì cho biết, sau phiên tăng mạnh hôm qua, thị trường trong nước đã giảm nhiệt, áp lực chốt lời cùng việc khối ngoại bán ròng đã khiến thị trường suy yếu trong phiên chiều và không thể giữ được thành quả trong cả phiên 11/5. Trong khi chỉ số VN-Index gặp ngưỡng cản là cận trên của vùng dao động kể từ giữa tháng 4 đến nay thì chỉ số VN30 cũng kiểm nghiệm lại đỉnh cao mới vừa xác lập hôm 10/5.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 3,54 điểm xuống 1.256,04 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 11,47 điểm còn 1.359,19 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 261 mã tăng/164 mã giảm, ở rổ VN30 có 8 mã tăng, 21 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với giá tṛi khớp lệnh đạt hơn 20,787 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi bán ròng với tổng giá trị gần 330 tỷ đồng.

Đại diện MBS cho rằng, phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật đối với cả chỉ số VN-Index và VN30, trong khi VN-Index tiến về cận trên của vùng dao động thì VN30 cũng kiểm nghiệm lại đỉnh cao mới.

“Với phiên điều chỉnh nhẹ như phiên hôm nay, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị ảnh hưởng, thị trường hoàn toàn có thể xác lập đỉnh cao mới trong các phiên sắp tới, tuy vậy rủi ro lúc này là chứng khoán thế giới có thể điều chỉnh và ảnh hưởng đến thị trường trong nước”, đại diện MBS nhận định.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email