Thị trường chứng khoán tổn thương, ai chịu?

Sự kiện nổi bật nhất trên thị trường chứng khoán mấy ngày qua là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) đã kéo theo nhiều hệ lụy, làm náo loạn thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán tổn thương, ai chịu?
Ảnh minh họa: Minh Thuận (Zing.vn)

Ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt 1,5 tỷ đồng theo Nghị định 156/2020 của Chính phủ và còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng nhưng hệ lụy từ việc “bán chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết khiến cả thị trường chứng khoán bị tổn thương thì chưa thấy quan chức có trách nhiệm nào bị xử phạt.

Tổn thương dễ nhận thấy nhất là gần 7 loại cổ phiếu họ FLC bị giảm giá trị, mất thanh khoản (trừ cổ phiếu GAB), chỉ trong vòng mấy ngày mà giá cổ phiếu tụt hơn 30%, có loại từ hơn 22.000 đồng/cổ phiếu đã tụt xuống còn 13.900 đồng/cổ phiếu nhưng cổ phiếu của nhà đầu tư “bị nhốt” không bán được. Nhưng không chỉ riêng cổ phiếu họ FLC, gần như đa số các loại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều giảm giá trị từ hệ lụy “bán chui” của ông Trịnh Văn Quyết, đặc biệt là các loại cổ phiếu bất động sản.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ ngủ một đêm mất vài tỷ là chuyện đã xảy ra. Cả thị trường chứng khoán mang đầy tâm lý lo sợ rồi nhà đầu tư đua nhau bán đổ, bán tháo. Nhà đầu tư mất niềm tin vào tính minh bạch, đua nhau bỏ chạy khiến thị trường chứng khoán tổn thương một màu đỏ quạch.

Một ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu và một “ông” Tân Hoàng Minh thổi giá đất, mua một mét vuông đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM) giá 2,4 tỷ đồng đã bỏ cọc chạy lấy người đã tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Những giá trị ảo lâu nay được các “đại gia” chứng khoán, đất đai bơm thổi đã cho các nhà đầu tư thấy rõ nhưng chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” chứ không thể làm gì để thay đổi bản chất.

Xử phạt một mình ông Trịnh Văn Quyết không làm thị trường chứng khoán hết tổn thương. Phi vụ “bán chui” của ông Trịnh Văn Quyết nếu trót lọt thì có thể thu về lợi nhuận tính bằng đơn vị ngàn tỷ nhưng cơ quan quản lý “tuýt còi” mà chỉ xử phạt 1,5 tỷ đồng thì chưa đủ tính răn đe và không làm thay đổi những gì lâu nay các nhà đầu tư hoài nghi về thị trường chứng khoán.

Làm sao để những người lao động tham gia đầu tư chứng khoán được cảm thấy an toàn? Có người hoài nghi tới mức đặt câu hỏi phải chăng cách làm của ông Quyết FLC và tương tự đã biến thị trường chứng khoán thành một sới bạc hơn là một thị trường chứng khoán đầy tính minh bạch để hấp dẫn người chơi.

Nếu bỏ khống chế mức trần áp dụng hình thức xử phạt tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân có giao dịch “chui” tổng giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên thì “phi vụ bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu này, ông Trịnh Văn Quyết có thể sẽ phải bị phạt từ 22,4 đến 37,4 tỷ đồng. Và nếu SSC làm quyết liệt thì phải truy ra cho bằng được đối tượng nào chịu trách nhiệm đã để cho phi vụ “bán chui” cổ phiếu này trót lọt.

Không lẽ cả thị trường chứng khoán bị tổn thương như thế mà chỉ một mình ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt thôi sao? Không lẽ cả thị trường chứng khoán “rướm máu” đỏ quạch, nhà đầu tư mất trắng tiền, mất niềm tin mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), nơi diễn ra phi vụ “bán chui” cổ phiếu này lại vô can? Không lẽ ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HoSE – đứng ngoài cuộc chơi, mặc kệ các nhà đầu tư “đổ máu”?

Theo Võ Đức Phúc/Cuộc sống an toàn

Print Friendly, PDF & Email