Thị trường chứng khoán “miễn nhiễm” trước đại dịch Covid-19 tái bùng phát?

Theo một số chuyên gia, thị trường chứng khoán dường như “miễn nhiễm” với thông tin Covid-19 tái bùng phát, tuy nhiên, nhà đầu tư nên hạn chế mở các vị thế mua mới, và chờ đợi thời điểm thị trường xác nhận xu hướng tăng để gia tăng tỷ trọng.

VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp

Thị trường tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh tiếp tục ở dưới mức trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/5, VN-Index tăng 14,23 điểm (+1,15%) lên 1.256,43 điểm; HNX-Index tăng 3,22 điểm (+1,16%) lên 280,93 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 800 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị giao dịch đạt 21.364 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tích cực với 524 mã tăng, 79 mã tham chiếu, 180 mã giảm.

Thị trường tăng điểm trong toàn bộ thời gian phiên 5/5 nhờ lực cầu mạnh mẽ xuất hiện từ đầu phiên và được duy trì cho đến phiên chiều, nhưng áp lực bán từ khoảng 13h30 trở đi khiến mức tăng bị thu hẹp lại. TCB (+5,9%) và VCB (+2,1%) là hai cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index, tiếp theo sau là GAS (+2,6%), HDB (+6,8%), VPB (+1,8%), BID (+1,5%), ACB (+2,5) … Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng chiếm ưu thế ở nhóm này. HPG (-0,8%) đảo ngược xu hướng trong phiên chiều và là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Rổ VN30 có 25 mã tăng, 4 mã giảm và 1 mã tham chiếu.

Sắc xanh bao phủ, VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp
Sắc xanh bao phủ, VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp.

Dẫn đầu sắc xanh là HDB (+6,8%), tiếp theo sau là TCB (+5,9%) và POW (+5,4%). GAS (+2,6%), PLX (+2,5%), STB (+2,5%), TPB (+2,3%), SSI (+2,1%) và VCB (+2,1%) là những mã tăng hơn 2%. Đa số các mã còn lại của nhóm tăng đều tăng trên 1%. KDH (-1,1%), PDR (-1%), HPG (-0,8%), TCH (-0,2%) là những mã giảm của nhóm, FPT đóng cửa tại mức giá tham chiếu.

Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, qua đó giúp chỉ số kết phiên trên ngưỡng 1.250 điểm. Trên góc nhìn kỹ thuật, do thị trường đóng cửa phiên 5/5 nằm trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 lên ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1.140 điểm (fibonacc retracement 50% sóng tăng 5).

“Trong phiên giao dịch hôm nay 6/5, thị trường có thể sẽ có giằng co và rung lắc mạnh khi mà bên ủng hộ sóng tăng 5 và bên ủng hộ sóng điều chỉnh a gặp nhau tại vùng giá hiện tại. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.245 điểm (MA20) và xa hơn quanh 1.205 điểm (MA50). Nếu mất các ngưỡng này thì tình hình sẽ trở nên tiêu cực hơn”, chuyên gia của SHS nhận định.

Do đó, các nhà đầu tư trung hạn mua vào trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời khi thị trường vượt ngưỡng 1.250 điểm nên đứng ngoài quan sát thị trường.

“Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trailing stop theo đường trung bình 20 ngày quanh ngưỡng 1.240 điểm đã bán ra trong tuần trước cũng nên đứng ngoài và tiếp tục quan sát”, chuyên gia của SHS khuyến cáo.

“Miễn nhiễm” trước dịch Covid tái bùng phát

Trong khi đó, nhóm chuyên gia của Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường dường như miễn nhiễm với thông tin Covid tái bùng phát bên cạnh đó là hiệu ứng “Sell in May”. Trong khi các yếu tố tác động bên ngoài tạm thời được giải tỏa, thì ở trong nước nhanh chóng dập dịch cũng bước vào giai đoạn quyết liệt và chủ động để củng cố sức đề kháng của chính phủ qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Về kỹ thuật, một phiên tăng điểm chưa làm thay đổi xu hướng chính của thị trường, trong khi các yếu tố tạo rủi ro vẫn chủ đạo là tác động bên ngoài vì vậy chừng nào mức đáy của VNI hay VN30 vẫn trụ vững thì có thể kỳ vọng thị trường tích lũy và đi lên.

Các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (VNCSI) cũng cho rằng, nhà đầu tư dường như đã gạt bỏ đi nỗi lo “Sell in May” cũng như thông tin về Covid và mạnh tay mua cổ phiếu khiến cho thanh khoản giao dịch có phiên thứ 2 liên tiếp của tháng 5 duy trì ở mức cao.

“Một đà hồi phục cực kỳ ấn tượng của thị trường kể từ đợt giảm mạnh gần cuối tháng 4. Bất chấp nhiều thông tin bất lợi, VN-Index vẫn ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Điểm tích cực ngày 5/5 còn đến từ việc dòng tiền đã có sự lan tỏa trên toàn thị trường, thay vì chỉ để nhóm VN30 “gánh” như những phiên giao dịch trước”, chuyên gia của VNCSI nhận định.

Tuy nhiên, yếu tố bất lợi lớn nhất lúc này đó là việc các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng xả hàng một cách dứt khoát. Mặc dù thời điểm hiện tại đang hội tụ nhiều yếu tố tích cực, song phiên tăng điểm ngày 5/5 chưa đủ giúp VN-Index thoát khỏi xu hướng sideway trong ngắn hạn.

“Chúng tôi duy trì quan điểm trung lập về xu hướng ngắn hạn của thị trường, tạm thời hạn chế mở các vị thế mua mới hoặc chỉ nên giải ngân trong tỷ trọng vừa phải, quan sát và chờ đợi thời điểm thị trường xác nhận xu hướng tăng để gia tăng tỷ trọng”, chuyên gia của VNCSI nêu quan điểm.

VN-Index sẽ thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm

Trong khi đó, ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index tiếp tục tăng điểm và đang tiệm cận dải BB trên. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng lại đạt xấp xỉ mức bình quân 21 phiên. Độ rộng thị trường tích cực với sự tăng điểm trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Diễn biến này có thể giúp thị trường tiếp tục tiến đến vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong những phiên còn lại của tuần.

VN-Index sẽ thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong một vài phiên kế tiếp (Nguồn: BVSC)
VN-Index sẽ thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong một vài phiên kế tiếp (Nguồn: BVSC).

“Dải BB đang có xu hướng thắt lại trong khi nhóm các đường trung bình động ngắn hạn đang ở trạng thái nằm ngang. Điều này cho thấy thị trường có thể đang hình thành biến động giằng co trong vùng từ 1.200-1.220 điểm đến vùng 1.268-1.275 điểm trong ngắn hạn. Chỉ số cần vượt qua vùng kháng cự 1.275 điểm để phá vỡ sự hình thành của mẫu hình nến đảo chiều “evening doji star” được tạo thành trước đó và xác lập lại xu hướng tăng điểm ngắn hạn”, ông Trần Xuân Bách phân tích.

Chuyên gia của BVSC dự báo, VN-Index sẽ thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Đây vẫn là vùng kháng cự có khả năng tạo ra áp lực rung lắc, điều chỉnh cho chỉ số khi tiếp cận. Về tổng thể, với việc kiểm định thành công vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm trong tuần cuối tháng 4, thị trường có khả năng sẽ hình thành giai đoạn biến động đi ngang tích lũy để tạo nền giá mới trên mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn.

“Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 35-40% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung hạn. Các vị thế ngắn hạn đã thực hiện giải ngân một phần quanh vùng 1.200-1.220 điểm có thể xem xét bán chốt lời khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự mà chúng tôi đề cập. Các vị thế mua mới nên tiếp tục chờ đợi các thời điểm hợp lý hơn để xem xét giải ngân”, ông Trần Xuân Bách khuyến nghị./.

Print Friendly, PDF & Email