Dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam, CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng, trong ngắn hạn thị trường điều chỉnh và tích lũy đi ngang trong khoảng từ 1.200 đến 1.300 điểm cho đến hết tháng 7 và hồi phục dần trở lại vào đầu tháng 8. VN-Index sẽ duy trì đà tăng trên cơ sở hồi phục của nền kinh tế và có thể cán mốc 1.500-1.550 điểm vào cuối năm 2021.
Cơ sở của dự báo này được căn cứ trên mức dự báo về định giá P/E của VN-Index trở nên hấp dẫn sau mùa công bố hết kết quả kinh doanh quý II/2021. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng trong ngắn trung dài hạn của VN-Index vẫn được duy trì, giúp chỉ số có thể quay trở lại mức định giá P/E ở vùng 19,x. Ngoài ra là các yếu tố như: làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư được khống chế vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2021 và lộ trình tiêm vắc-xin sẽ được đẩy nhanh và đạt kết quả khả quan vào đầu 2022.
Nhận định về triển vọng các nhóm ngành nửa cuối năm 2021, VFS cho rằng, với ngành Ngân hàng, động lực tăng trưởng đến từ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu. Đến nay, nhiều ngân hàng đã được NHNN chấp thuận nâng hạn mức tín dụng cả năm từ 10 – 12% lên tới 15 – 17%. Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng cũng đã có kế hoạch tăng vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Đặc biệt Thông tư 03/2021/TT-NHNN được ban hành giúp giảm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu của các ngân hàng khi khoảng thời gian đã được giãn ra trong 3 năm thay vì phải trích lập rất mạnh các khoản nợ xấu chỉ trong năm nay. Ngoài ra, định giá ngành này vẫn còn hấp dẫn khi mức P/E cơ bản hiện tại ở mức 13,x xấp xỉ với mức trung bình 5 năm là 13,x hoặc vẫn khá thấp khi so với đỉnh thiết lập năm 2018 là 21,x.
Với ngành Chứng khoán, động lực tăng trưởng đến từ sự bùng nổ mạnh mẽ của nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Xu hướng công nghệ hoá (mở mới tài khoản Ekyc – đơn giản hoá thủ tục, giao dịch online) và dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tiếp tục đẩy nhanh số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường khoán. Dự kiến sẽ có khoảng 600 nghìn tài khoản mở mới trong 6 tháng cuối năm 2021. Bên cạnh đó, sự nâng cấp hệ thống giao dịch phát triển bởi KRX hay việc sáp nhập sàn và sửa đổi Luật Chứng khoán tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán và gia tăng cơ hội tiến lên thị trường mới nổi…
Với ngành bất động sản, động lực tăng trưởng đến từ việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp nhờ đẩy mạnh đầu tư công. Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công với nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm tạo hiệu ứng tích cực cho ngành bất động sản. Các dự án dân dụng như sân bay Long Thành (TP.HCM) hay đường vành đai 1 (Hoàng cầu – Voi Phục) (Hà Nội) tạo hiệu ứng tích cực cho khu vực bất động sản lân cận. Các dự án giao thông vận tải như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bắc – Nam cũng sẽ giúp kết nối các khu công nghiệp với chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Luật Xây dựng sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021 góp phần xử lý các vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng.
“Tổng vốn FDI đăng ký vào công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm đạt 6,98 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài với các khu công nghiệp vẫn đang ở mức cao. Bên cạnh đó, mức định giá hiện tại của ngành bất động sản nói chung được đánh giá là hấp dẫn khi mức P/E chỉ bằng một nửa so với giai đoạn bùng nổ tạo đỉnh năm 2018 và thấp hơn mức trung bình 5 năm”, VFS nhận định.
Theo VFS, dòng tiền dự kiến tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tăng mạnh. Dự báo số tài khoản mở mới tham gia thị trường trong cả năm 2021 có thể tăng đến 500% so với 2020 tương ứng với khoảng hơn 1,2 triệu tài khoản mở mới. Lũy kế đến hết 2021, số tài khoản mở mới dự kiến sẽ là 4 triệu tài khoản đạt đến 80% con số mục tiêu 5 triệu nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán vào năm 2025 Chính phủ đặt ra. Với số tài khoản dự phóng như trên, nếu mỗi nhà đầu tư mới đầu tư 10 triệu đồng thì dòng tiền mới trong 6 tháng cuối năm có thể đạt đến 6.000 tỷ đồng và với công cụ đòn bẩy margin 1:1 thì dòng tiền mới có thể lên đến 12.000 tỷ đồng. Chưa kể, lượng tiền mặt chờ sẵn giải ngân tại tài khoản chứng khoán hiện nay đạt đến hơn 80.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là gần 10.000 tỷ tăng vốn từ các công ty chứng khoán giải tỏa nút thắt “margin” của thị trường.
Một yếu tố tích cực khác là dòng tiền nước ngoài lần đầu tiên trở lại thị trường chứng khoán sau nhiều tháng với tín hiệu tích cực từ việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại. Tính từ đầu năm 2021 đến hết quý II, khối ngoại đã bán ròng liên tục gần 30.000 tỷ đồng. Tuy vậy, từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng trở lại hơn 3.500 tỷ đồng. Quỹ mới như Đài Loan Fubon FTSE Vietnam (ETF) vẫn tiếp tục giải ngân và dòng vốn ngoại dự kiến sẽ tích cực hơn với kỳ vọng về việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nếu thành công thăng hạng thì sẽ có dòng tiền lớn khoảng 20.000 tỷ đồng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF chỉ số trong dài hạn.
Theo Dương Công Chiến/Thời báo Ngân hàng