Một số ngân hàng thương mại tiếp tục huy động tiền gửi với mức lãi suất tăng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định thanh khoản của hệ thống vẫn dư thừa.
Ngày 22-10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 469 ngày, lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 8,9%/năm.
Cụ thể, SCB phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh với 5 mệnh giá từ 100 triệu đồng đến 2 tỉ đồng. Khi có nhu cầu vốn, chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi SCB được tự do chuyển nhượng dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi tại SCB.
Trước đó, SCB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn và thu hút khoảng 29.000 khách hàng tham gia. Mức lãi suất huy động qua kênh chứng chỉ tiền gửi của SCB tăng đáng kể so với tiết kiệm thông thường. Hiện lãi suất huy động thông thường cao nhất tại ngân hàng này là 8,55%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn từ 13-36 tháng.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng đang áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi lên đến 8,5% cho kỳ hạn 12 tháng trong chương trình khuyến mại kéo dài đến hết tháng 11. Theo ABBANK, đây được coi là mức lãi suất hấp dẫn đối với những khách hàng đang có nguồn tiền nhàn rỗi và tìm kiếm một kênh đầu tư vừa an toàn vừa đảm bảo hiệu quả.
Trong biểu lãi suất vừa áp dụng từ đầu tháng 10 của Eximbank, người gửi tiết kiệm online kỳ hạn dài từ 24-36 tháng sẽ được hưởng lãi suất lên tới 8,5%/năm, mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh biểu lãi suất ở các kỳ hạn theo hướng tăng khá mạnh. Một số ngân hàng huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi với lãi suất chạm mốc 10%/năm. Mức lãi suất từ 8%/năm xuất hiện ngày càng nhiều. Tại một số ngân hàng, khách hàng chỉ cần gửi tiết kiệm từ 6 tháng trở lên cũng có thể hưởng mức lãi suất trên 8%/năm.
Dù lãi suất huy động nhích lên đáng kể ở nhiều ngân hàng nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng chung vẫn ổn định và phổ biến ở mức 0,5%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 6,6%-7,3% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9%-11% đối với trung và dài hạn…
Về xu hướng các ngân hàng điều chỉnh lãi suất gần đây, trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước giải thích so với đầu năm, lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng nhẹ trong bối cảnh các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.
“Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn ngắn tương đối ổn định, trong đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng giảm; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa. Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp so với thị trường” – đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.