Thấp thỏm với rau Tết

Gần một tuần nay tại miền Trung, trời lại liên tiếp đổ những cơn mưa nặng hạt. Bởi vậy, nhiều nông dân ở địa phương đang xuống giống cho vụ tết trong tình trạng thấp thỏm.

Năm nay là một năm khó khăn chồng chất đối với nông dân miền Trung. Bên cạnh đại dịch Covid-19, bà con còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại do những cơn bão, mưa lũ liên tiếp. Chỉ trong khoảng 1 tháng oằn mình dưới mưa lũ, nhiều diện tích rau màu của người dân trong khu vực nói chung và tại Đà Nẵng bị thiệt hại nặng nề. Tranh thủ được mấy ngày hửng nắng, bà con nông dân đã xuống đồng dọn dẹp, cày xới đất để chuẩn bị cho vụ rau Tết cận kề. Thế nhưng, gần một tuần nay tại miền Trung, trời lại liên tiếp đổ những cơn mưa nặng hạt. Bởi vậy, nhiều nông dân ở địa phương đang xuống giống cho vụ tết trong tình trạng thấp thỏm.

Ảnh minh họa

Theo số liệu của các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng, những cơn mưa lũ trong tháng 10 vừa qua, đã khiến nhiều diện tích trồng rau màu trên địa bàn thành phố bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, ở huyện Hoà Vang, nơi tập trung phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp địa phương. Ước tính ngành nông nghiệp của huyện đã thiệt hại 60 tỷ đồng, khi 45 ha rau màu, 22 ha hoa với khoảng 40 nghìn chậu hoa, 54 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng sau mưa lũ. Tại Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, hơn một tháng qua, nơi này liên tục chịu ảnh hưởng từ bão, mưa lớn gây ngập úng, bùn vùi lấp một diện tích lớn rau màu. Ngay sau khi nước rút, tranh thủ những ngày trời vừa hửng nắng bà con nông dân đã xuống ruộng, xới đất, lên luống, gieo giống trở lại, chuẩn bị cho sản xuất rau phục vụ tết Nguyên đán.

Tương tự, vùng trồng rau La Hường nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, do ảnh hưởng của những cơn mưa liên tiếp gần đây, một diện tích lớn hoa màu cũng bị chìm trong biển nước, khiến nhiều hộ nông dân trắng tay. La Hường là làng rau truyền thống trồng theo chuẩn an toàn VietGap lớn nhất Đà Nẵng nằm dọc theo bờ sông Cẩm Lệ. Do đây là vùng trũng thấp nên khi có mưa lớn hoặc mưa liên tục thì nhiều ruộng rau sẽ bị ngập. Bởi vậy, năm nay toàn bộ hơn 7,5 ha rau của hơn 50 hộ sản xuất gần như mất trắng, khi cả vùng rau ngập chìm nhiều ngày trong nước…

Thông thường, ở thời điểm này, khoảng giữa tháng 10 âm lịch, người nông dân đã chuẩn bị làm đất, lên luống để trồng rau xanh, hoa tươi chuẩn bị cho thị trường Tết. Tuy nhiên, năm nay, theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng, do trời mưa, bão và lũ kéo dài hơn 1 tháng qua nên người trồng rau, hoa ít gieo trồng, nhất là ở các khu vực bị ngập nặng nề. Dự kiến, đến sau ngày 23/10 Âm lịch, nông dân mới bắt đầu trồng nhiều loại rau, hoa để phục vụ thị trường.

Những ngày gần đây, mặc dù trời vẫn chưa ngớt mưa nhưng nhiều bà con vẫn phải rục rịch chuẩn bị cho việc lên luống, xuống giống… Cũng giống như người trồng rau, nhiều hộ trồng hoa trên địa bàn thành phố cũng đang đứng ngồi không yên với thời tiết. Trước đó, cũng do mưa lũ hàng loạt nhà giàn trồng hoa của các vườn đã bị quật tả tơi, thiệt hại rất nặng nề. Bởi vậy, nhiều hộ trồng hoa ở địa phương đang rất nóng lòng, chờ trời nắng để xuống giống nhằm gỡ gạc lại chút ít.

Được biết, để hỗ trợ cho bà con các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã và đang triển khai những biện pháp cụ thể. Trong đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật, chuẩn bị tốt về giống, phân bón. Đặc biệt, đối với những dự án vay vốn qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân thành phố sẽ tiến hành lập hồ sơ gia hạn nợ theo đề xuất của Hội Nông dân các quận, huyện.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân – Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng cho biết, Hội Nông dân thành phố đã đề nghị Hội Nông dân các quận, huyện nhanh chóng thống kê thiệt hại để trình UBND thành phố sớm có chủ trương hỗ trợ nông dân. Ngoài những giải pháp trước mặt được các cấp Hội Nông dân thực hiện đồng bộ, tạo mọi điều kiện tối đa cho bà con nông dân tái sản xuất, nhanh chóng có thu nhập, thì Hội Nông dân thành phố cũng đang đề ra những giải pháp dài hạn, giúp người nông dân giảm những rủi ro đối với thời tiết, chủ động được mùa vụ sản xuất, “sống chung” với những tác động tiêu cực của thiên tai…

Theo Nghi Anh/Thời báo Ngân hàng