Thanh toán phi tiền mặt cần trợ lực từ chính sách thuế

Có thể nói các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phải tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng mới có thể thay đổi được tập quán sử dụng tiền mặt. Vì thế các ngân hàng, công ty fintech không thể một mình đơn độc trong cuộc cách mạng này.

Các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (fintech) đang có những chương trình quảng bá các sản phẩm thẻ, ví điện tử, khuyến khích người tiêu dùng thanh toán phi tiền mặt ở hệ thống bán lẻ siêu thị, chợ, cây xăng…

Theo đó, để mở rộng người dùng thẻ, tổ chức Visa đã tặng 100 máy chấp nhận thẻ (POS) cho tiểu thương ở các chợ có nhiều du khách nước ngoài qua lại. Sau đó tổ chức chuyển mạch này sẽ kết hợp với các ngân hàng giảm giá 50% máy POS và tặng phần mềm thanh toán qua ứng dụng. Các ngân hàng cũng đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cho người thanh toán bằng thẻ, ứng dụng… để hạn chế sử dụng tiền mặt chi trả khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Các TCTD cho biết, có khuyến mãi dùng thanh toán điện tử hết khuyến mãi khách lại bỏ đi

Mấy năm qua, TP.HCM có tốc độ thanh toán phi tiền mặt nhanh nhất nước. Hiện nay các quán ăn uống bình dân, chủ quán cũng sẵn sàng cầm các mPOS đến tận bàn phục vụ khách quẹt thẻ. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử, TP.HCM và Hà Nội chiếm hơn 70% thị phần thương mại điện tử, đang là thị trường cho thanh toán phi tiền mặt khai thác.

Tuy nhiên có một thực tế, chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ thanh toán điện tử là khá lớn, nhưng đến nay nguồn thu từ dịch vụ thanh toán của các TCTD vẫn chưa được bao nhiêu. Đặc biệt, một tình trạng khá phổ biến hiện nay đó là khi có khuyến mãi thì người tiêu dùng mới thực hiện thanh toán phi tiền mặt, hết khuyến mãi lại bỏ thẻ, bỏ ví điện tử sang một bên.

Đơn cử, chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” của hệ thống bán lẻ Sài Gòn Co.op, ví điện tử MoMo giảm giá 30% cho người mua vải thiều Lục Ngạn thanh toán bằng ví điện tử này trong ngày đầu mở bán đã tiêu thụ được 7 tấn vải. Thậm chí giới trẻ và dân văn phòng còn gom hàng lên đến cả tạ vải một hóa đơn để được hưởng khuyến mãi kép – giao hàng không tính phí. Trong khi các sản phẩm gạo thơm, trái cây khác trong cùng chương trình này, không có khuyến mãi khủng, sức mua không có nhiều biến động như vải thiều.

Trước đó, ví điện tử MoMo khuyến mãi 2 lít xăng cho người thanh toán bằng ví khi mới hợp tác với hệ thống cửa hàng xăng dầu PVOil và Comeco, đội ngũ tài xế Grabbike xếp hàng đổ xăng thanh toán ví. Tuy nhiên sau khi hết khuyến mãi, khu vực thanh toán điện tử chỉ còn tiếp khách đi xe ô tô nhà nước, DN thanh toán để lấy hóa đơn… Chưa kể, đổ xăng ở cây xăng Comeco hiện nay, muốn quét mã QR lại phải vào trong nhà điều hành thanh toán trước, sau đó mới ra đổ xăng dầu. Vì thế không ít người tiêu dùng chuẩn bị sẵn tờ 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng còn nhanh hơn thanh toán phi tiền mặt.

Theo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, đến nay công ty đã hoàn tất thẻ chip nội địa cho 26 ngân hàng, 9 nhà cung cấp phôi thẻ, 5 nhà cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Tính trung bình theo năm, hiện nay mỗi ngày Napas đang xử lý 2,8 triệu giao dịch tương đương khoảng 21 ngàn tỷ đồng, nếu tính theo tỷ trọng thì thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống của Napas xử lý mới chiếm khoảng 26%.

Ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch đồng sáng lập ví điện tử MoMo nói: “Muốn một sản phẩm công nghệ thành công thì phải hội đủ 2 yếu tố: Thứ nhất, sản phẩm đó phải chạm được trái tim của người dùng, họ có yêu thương thì sản phẩm mình mới có thể sống bền. Thứ hai, là tập trung xây dựng hệ sinh thái bao phủ để tạo sự thuận lợi cho khách hàng. Ở mức độ cao hơn là phải kết hợp được các thành tố trong hệ sinh thái đó để tạo ra các hoạt động, chương trình giá trị cho cộng đồng, xã hội”.

Có thể nói các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phải tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng mới có thể thay đổi được tập quán sử dụng tiền mặt. Vì thế các ngân hàng, công ty fintech không thể một mình đơn độc trong cuộc cách mạng này. Thời gian qua, để có khuyến mãi cho người tiêu dùng thanh toán điện tử, các ngân hàng và trung gian thanh toán phải phối hợp với bên cung ứng hàng hóa dịch vụ chia sẻ lợi ích mới tạo ra giá rẻ hàng hóa và miễn phí chấp nhận thanh toán điện tử cho người tiêu dùng. Nhưng nếu kéo dài tình trạng này có thể sẽ bào mòn tài chính của TCTD cũng như các DN bán hàng.

Thiết nghĩ, Chính phủ nên thiết kế một gói chính sách tài khóa, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo doanh số lũy tiến thanh toán phi tiền mặt cho các DN bán hàng, gia hạn nộp thuế thu nhập DN vào kỳ nộp thuế tiếp theo cho DN có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao. Đồng thời người tiêu dùng có thể tích hợp giá trị mua bán hàng hóa thanh toán phi tiền mặt vào mã số thuế cá nhân, cuối kỳ được khấu trừ tính thuế thu nhập cá nhân. Khi đã tạo ra một xã hội phi tiền mặt sẽ chống được kinh tế ngầm và tập trung vốn trong các TCTD tạo ra một mặt bằng chi phí tài chính thấp nền kinh tế.

Theo Minh Phương/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email