Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng khoán bất ngờ đỏ lửa, trái với diễn biến tăng nóng cuối phiên hôm qua. Đà giảm của VN-Index nới rộng thêm trong phiên chiều khi nhiều cổ phiếu trụ cột lao dốc.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 45,42 điểm (3,3%) xuống 1.329,43 điểm; HNX-Index giảm 8,01 điểm (2,31%) xuống 338.06 điểm; UPCoM-Index giảm 2,01 điểm (2,12%) xuống 92,7 điểm.
Đáng chú ý, trong ngày VN-Index giảm sâu, thanh khoản toàn thị trường ghi nhận kỷ lục cao nhất trong lịch sử với tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 48.500 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,1 tỷ USD.
Điểm nhấn đáng chú ý là nhóm ngành chứng khoán, bất động sản sau giai đoạn hồi phục tích cực cũng không nằm ngoài xu thế giảm chung của thị trường, khi các mã đầu ngành như SSI, VCI, HCM, NVL, KBC… đều giảm sâu dưới giá tham chiếu. Áp lực bán còn lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác như dầu khí, vật liệu xây dựng, bán lẻ…
Lực cầu bắt đáy xuất hiện về cuối phiên đã giúp đà giảm của chỉ số thu hẹp còn hơn 45 điểm. Sự sụt giảm bất ngờ của thị trường đã khiến nhà đầu tư đua nhau bán cổ phiếu, kéo theo giá trị giao dịch trên sàn tăng vọt lên 46.263 tỷ đồng, tăng 66,7% so với phiên trước. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 760 tỷ đồng trên HoSE trong khi mua ròng ở 2 sàn HNX và UPCoM.
Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại hôm nay bán ròng gần 19 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn hơn 755 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào HPG với giá trị gần 180 tỷ đồng, VJC (148 tỷ đồng), VIC (108 tỷ đồng), CTG (101 tỷ đồng)… Trên HNX, khối ngoại đã mua ròng hơn 754 nghìn cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt hơn 64 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mặc dù bán ròng gần 581 nghìn cổ phiếu, song giá trị giao dịch vẫn ghi nhận mua ròng hơn 16,5 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, diễn biến dịch bệnh phức tạp trong nước đã làm gia tăng tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng khiến thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Dù lực cầu bắt đáy xuất hiện cuối phiên nhưng cũng chỉ giúp VN-Index thu hẹp đà giảm.
Về kỹ thuật, BOS cho biết, VN-Index giảm hơn 45 điểm đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ MA50. Thanh khoản tăng vọt cho thấy sự gia tăng mạnh của lực bán trên thị trường. MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống, kèm theo sự suy yếu của các chỉ báo dòng tiền MFI, RSI… cho thấy rủi ro tiếp tục điều chỉnh của thị trường đang ở mức cao. Vùng 1.300-1.310 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số trong ngắn hạn.
“Chúng tôi cho rằng, thị trường đang chịu ảnh hưởng ngắn hạn bởi diễn biến dịch bệnh trong nước”, bà Đinh Thái Huyền Trang, Công ty CP Chứng khoán BOS nhận định.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, dù VN-Index giảm mạnh nhưng thanh khoản thị trường đã thiết lập mức kỷ lục. Theo công bố thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh vào sáng 20/8, thành phố sẽ thắt chặt các biện pháp phòng dịch từ ngày 23/8 với yêu cầu “nhà cách ly với nhà” nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh.
Diễn biến kể trên kéo theo sự thận trọng của nhà đầu tư, kết hợp với trạng thái hiệu chỉnh trở lại sau phiên đáo hạn ngày hôm qua, khiến VN-Index giao dịch dưới tham chiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch.
Quan sát theo nhóm vốn hóa, VN30 giảm 3,63% với toàn bộ các cổ phiếu trong rổ kết phiên trong sắc đỏ. VN Midcap và VN Smallcap cùng chung trạng thái tuy nhiên biên độ thấp hơn, lần lượt là 3% và 1,85%.
Khối lượng khớp lệnh trên HoSE thiết lập mức kỷ lục với hơn 1,1 triệu cổ phiếu, cao vượt trội so với phiên liền trước cũng như mức bình quân 20 phiên (651,6 triệu đơn vị). Tổng giá trị giao dịch trên HoSE cũng lên tới 38,3 nghìn tỷ đồng.
Thị trường diễn biến thận trọng tuy nhiên không ít các cổ phiếu nỗ lực đi ngược xu thế chung. Tại nhóm chứng khoán, SSI kết phiên sát tham chiếu, HCM tăng 1,1% trong khi CTS tăng 5,8%. Lĩnh vực cảng biển chứng kiến HAH tăng mạnh 4,9% trong khi GMD, VSC và SGP kết phiên trên tham chiếu. Nhóm phân bón cũng tích cực trở lại khi DPM tăng 3,6%, LAS tăng 3,6% còn DDV tăng tới 8,9%.
Công ty CP Chứng khoán BSC cho rằng, việc VN-Index chìm ngập trong sắc đỏ do nhịp điều chỉnh tăng mạnh khi có tin đồn về tình trạng giãn cách xã hội của TP. Hồ Chí Minh. Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi toàn bộ 19 nhóm ngành đều giảm điểm. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất trong lịch sử, cho thấy tâm lý bán tháo mạnh mẽ của các nhà đầu tư.
“Với phiên điều chỉnh hôm nay, thị trường đã trở về vùng hỗ trợ 1.320-1.330 điểm và có thể sẽ duy trì nhịp vận động trong vùng 1.320-1.350 vào tuần tới”, đại diện BSC nhận định.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng