Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM, cho biết sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều năm nhưng liên tục mở rộng kinh doanh.
Tại Hội nghị tổng kết công tác thuế 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Cục thuế TP.HCM ngày 15/1, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế cho rằng đơn vị đã đạt nhiều thành tích tốt, thể hiện rõ nhất ở số thu vượt dự toán pháp lệnh và công tác thanh tra, kiểm tra thuế chất lượng.
Tuy nhiên, ông Cao Anh Tuấn cho rằng còn nhiều doanh nghiệp chưa được thanh tra, kiểm tra, trong khi có một số doanh nghiệp năm nào cũng tiếp nhận. “Dẫu biết nguồn lực có hạn nên đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phân tích rủi ro, tuy nhiên cần cân đối để đảm bảo công bằng và hiệu quả”, ông chỉ đạo.
Tập trung thanh tra hồ sơ rủi ro cao và dư địa thu lớn
Phát biểu về phương hướng năm 2020, ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM, cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng vốn, xây dựng BOT, BT, có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tương tự như Coca-Cola và Heineken.
Vừa qua, Coca-Cola bị phạt và truy thu hơn 821 tỷ đồng, sau đợt thanh tra kéo dài trong giai đoạn 2007-2015. Doanh nghiệp này hiện đã nộp 471 tỷ đồng tiền thuế gốc trong số bị phạt và truy thu nói trên, gồm hơn 60 tỷ đồng thuế GTGT, hơn 359 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và gần 52 tỷ đồng thuế nhà thầu nước ngoài.
Trong khi đó, Heineken bị phạt và truy thu hơn 917 tỷ đồng liên quan đến giao dịch chuyển nhượng 100% vốn cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch là 4.800 tỷ đồng.
Hiện tại, Heineken đã nộp đủ số tiền trên, nhưng khẳng định chưa đồng thuận với cơ sở đánh giá được đưa ra. “Doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore để làm rõ quyết định của Tổng cục Thuế”, đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Heineken, ông Johahn Bhurrut, cho biết.
Theo ông Lê Duy Minh, Cục Thuế TP.HCM sẽ tập trung phân tích các hồ sơ có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn (dầu khí, xăng, điện lực, bất động sản) và ngành nghề kinh doanh mới (kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, games…). Đồng thời, các doanh nghiệp có ưu đãi, miễn giảm thuế hay doanh nghiệp xã hội hóa, khai thuế nhà thầu có số thuế nộp lớn cũng được triển khai thanh tra, kiểm tra thuế.
Ngoài ra, văn phòng công chứng, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, đồ gỗ, dệt may, da giày và nhựa cũng là những ngành hàng được ông Minh nêu tên trong hội nghị.
Năm 2019, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra tại hơn 22.000 doanh nghiệp, đạt 94% kế hoạch đề ra. Tổng số thuế truy thu và phạt là 8.428 tỷ đồng, tăng 71,3% so với cùng kỳ, từ đó nộp ngân sách nhà nước 6.726 tỷ đồng.
Cam kết vượt số thu dự toán 5%
Năm 2020, Cục Thuế TP.HCM được giao chỉ tiêu số thu 290.828 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Lê Duy Minh và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đều cam kết vượt mức này đến 5%.
“Con số này lớn nhưng không gì là không thể”, ông Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ niềm tin với đội ngũ cán bộ ngành thuế TP.HCM.
Tổng số thu trên địa bàn TP.HCM năm 2019 đạt 291.432 tỷ đồng, đạt 100,38% dự toán năm và tăng 8,31% so với năm 2018. Tính riêng trong tháng 12, số thu tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn 16% bình quân số thu các tháng khác trong năm.
Đồng thời, 100% chi cục trực thuộc Cục Thuế TP.HCM cũng hoàn thành dự toán; trong đó có 1 chi cục thu được trên 16.000 tỷ đồng, 9 chi cục thu trên 3.000 tỷ đồng và 14 chi cục thu trên 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Cao Anh Tuấn, TP.HCM là địa bàn trọng điểm của ngành thuế cả nước, với khoảng 254.000 doanh nghiệp và gần 200.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Số thu từ Cục Thuế TP.HCM năm 2019 xấp xỉ 23-24% số thu cả nước, trong khi tỷ lệ này cách đây 5 năm là 20%.
Theo Lan Aanh/Zing.vn