Categories Doanh nghiệp

Tập đoàn TH đầu tư hơn 2.500 tỷ nuôi bò tại Kon Tum

Đây là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2.544 tỷ đồng.

Sáng 18/9, tại tỉnh Kon Tum, Tập đoàn TH tổ chức Lễ khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Đây là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2.544 tỷ đồng.

TH
Sau Kon Tum, TH sẽ triển khai thêm các dự án khác ở An Giang, Cao Bằng.

Dự án có diện tích 441ha, với hai mô hình chăn nuôi khác nhau. Cụ thể, mô hình đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con được nuôi trong một cụm trang trại trên diện tích 60ha cùng vùng nguyên liệu rộng lớn 378ha.

Cụm trang trại thiết kế và vận hành bằng công nghệ chăn nuôi bò sữa tiên tiến của Israel, quản lý đàn bằng hệ thống vi tính 100% và dàn máy móc tự động, hiện đại hàng đầu thế giới; mô hình đàn bò nuôi liên kết cùng người nông dân, thông qua hợp tác xã công nghệ cao, dự án đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa theo mô hình này lên 20.000 con, quy mô 5-10 con bò sữa/hộ.

Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án.

Trạng trại bò sữa của TH tại Kon Tum sẽ chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò bằng việc sử dụng nguồn cỏ, ngô trồng tại địa phương; bên cạnh đó dự án nhân giống, phát triển các giống cây trồng khác, hướng dẫn và khuyến khích bà con nông dân trong khu vực trồng các loại cây nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho cho các nông hộ.

Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, người dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được các hỗ trợ về thú y, cung cấp thức ăn và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.

Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum đi theo hướng kinh tế xanh-kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế đã được triển khai bài bản tại TH, thể hiện ở quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của TH trong 10 năm qua.

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm, phụ phẩm, thậm chí chất thải của hạng mục này là đầu vào của hạng mục khác. Cụ thể, chất thải của hệ thống chăn nuôi được thu gom để xử lý bằng hệ thống hầm biogas công suất lớn, ủ phân vi sinh bón cho các vùng nguyên liệu, các đồng cỏ, ngô phục vụ làm thức ăn cho bò sữa…

Theo Khánh Chi/Chất lượng&cuộc sống