Trong khi thị trường gạo toàn cầu đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn trụ vững trước khó khăn và đạt được nhiều điểm sáng. Đây được xem là thời cơ “vàng” để nâng cao vị thế của hạt gạo Việt. Tuy nhiên, chặng đường để hoàn thành mục tiêu vẫn còn dài nên rất cần doanh nghiệp nỗ lực và kiên trì.
Thị trường đón nhận nhiều tin vui
Thời gian qua, thời tiết, dịch bệnh trong sản xuất đã phần nào ảnh hưởng đến sản lượng gạo, đặc biệt là dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng – tiêu thụ gạo. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước sản lượng gạo vẫn đạt mức tốt, có đủ nguồn cung gạo cho thị trường.
Đơn cử tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – địa bàn chịu tác động mạnh từ hạn mặn – theo tổng hợp của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến đầu tháng 6/2020, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được hơn 1,2 triệu ha lúa hè thu. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch hơn 55.000ha, ước tính năng suất bình quân đạt gần 6,1 tấn/ha. Trước đó, vụ lúa đông xuân cả nước thu hoạch khoảng 20,2 triệu tấn, riêng khu vực ĐBSCL đạt sản lượng gần 10,8 triệu tấn.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ), hoạt động sản xuất gạo của ĐBSCL là hệ thống được các chuyên gia tính toán một cách an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu, có thể trồng 3 vụ/năm luôn đầy đủ nước ngọt và không hề bị nước mặn xâm nhập. Còn lại các vùng khác có thể bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.
Ngoài sản lượng tốt, theo các chuyên gia, chất lượng của các giống lúa của Việt thời gian qua đã được cải tiến hơn, dẻo và thơm hơn, năng suất ổn định. Nếu gạo thơm Thái Lan, Campuchia và Myanmar chỉ trồng được 1 vụ/năm thì gạo thơm của Việt Nam trồng được đến 2-3 vụ/năm mà năng suất mỗi vụ đều cao hơn gạo thơm Thái Lan.
Đối với thị trường quốc tế, dù chịu tác động từ nhiều yếu tố, nhưng xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng. Trái ngược với xu hướng giảm của nhiều mặt hàng nông sản, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng mạnh sau khi lệnh ngưng xuất khẩu gạo được tháo gỡ.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều chuyên gia nhận định, với mức giá cạnh tranh và lượng xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua nhiều quốc gia gia có lượng xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ… về xuất khẩu gạo trong năm nay.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực sẽ càng mang đến nhiều cơ hội lớn về xuất khẩu gạo cho Việt Nam. Bởi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm; các sản phẩm từ gạo sẽ có thuế suất về 0% sau 3-5 năm…
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá: “Đây sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo xuất khẩu và giúp gạo Việt có thêm lợi thế cạnh tranh với gạo các nước khác”.
Giữ gìn chất lượng và thương hiệu gạo
Mặc dù đang có nhiều lợi thế, song để đạt ngôi vị quán quân về xuất khẩu gạo thì sự cạnh tranh không hề nhỏ và con đường hoàn thành mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo bền vững vẫn còn rất dài.
Bàn về vấn đề này, GS. Võ Tòng Xuân phân tích: “Trung bình mỗi năm, Thái Lan xuất khoảng 10 triệu tấn gạo, năm nay mất mùa có thể giảm xuống còn 7-8 triệu tấn, nhưng sản lượng gạo cũng hơn chúng ta. Đồng thời, Thái Lan đang có nhiều khách hàng hơn Việt Nam; hệ thống sản xuất lúa gạo cũng rất bài bản, trong khi nông dân Việt Nam vẫn mạnh ai nấy trồng. Muốn chiếm lĩnh thị trường, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách sản xuất”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội chia sẻ: Trong một thời gian, chúng ta mải mê tăng sản lượng mà quên mất xây dựng thương hiệu gạo ngon để phát triển. Dù các doanh nghiệp đã cố gắng đưa những thương hiệu gạo ngon có tiếng tại Việt Nam xuất hiện nhiều trên thị trường như gạo tám thơm, nếp cái hoa vàng… nhưng hiệu quả chưa được nhiều. Bây giờ, chúng ta cần quy hoạch lại sản xuất thành vùng gạo ngon, chịu đầu tư và nhân rộng mô hình.
Gợi nhắc về thành công của gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, hiệu ứng từ gạo ST25 cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường.
“Rõ ràng chúng ta đừng nên đi về lượng mà đi về “tinh”, tức là tạo nên giá trị gia tăng của hạt gạo mới quan trọng”, ông Vinh nhấn mạnh.
Để nâng tầm thương hiệu gạo Việt, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Xây dựng thương hiệu gạo không phải trong một vài năm mà phải là 5-10 năm. Quan trọng là vấn đề con người trong sản xuất và kinh doanh gạo. Nông dân và doanh nghiệp cần kiên trì, chịu đầu tư và nhẫn nại thì thương hiệu gạo Việt mới có vị trí vững trãi trên thị trường thế giới.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, “chúng ta cần các nhà khoa học tạo ra các giống tốt, phải có quy trình sản xuất gạo ngon để xuất khẩu ra thế giới. Bên cạnh xây dựng cách làm trung thực trong sản xuất, chúng ta phải xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, xây dựng bao bì nhãn mác, để người tiêu dùng biết đến gạo Việt”, ông Vinh nói.
Riêng với thị trường quốc tế, theo các chuyên gia thì cơ hội là có, song tiêu chuẩn đặt ra rất cao. Do vậy, muốn giữ vững vị trí trên thị trường lúa gạo thế giới, cần có chiến lược dài hạn về an ninh lương thực. Đồng thời, phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý. Với cơ hội và lợi thế sẵn có, nếu có sự đầu tư kỹ thì tin rằng đây sẽ là điều kiện thuận lợi để gạo Việt tiến xa hơn.
Theo Hương Giang/Thời báo Ngân hàng