Tăng tốc dựng hàng rào cho thị trường nội địa

Khoảng một nửa số vụ việc mà Việt Nam chủ động thực hiện được khởi xướng trong khoảng 1 năm trở lại đây, cho thấy các DN trong nước đang đẩy nhanh tốc độ sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm và thị trường nội địa.

Tính đến tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, ở chiều ngược lại tổng số vụ việc Việt Nam chủ động khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu chỉ chưa đầy 20 vụ việc. Mặc dù vậy, khoảng một nửa số vụ việc mà Việt Nam chủ động thực hiện được khởi xướng trong khoảng 1 năm trở lại đây, cho thấy các DN trong nước đang đẩy nhanh tốc độ sử dụng biện pháp này để bảo vệ sản phẩm và thị trường nội địa.

Ngày 6/4/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BCT điều tra chống bán phá giá đối với sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia

Tăng tốc phòng vệ

Trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã chính thức áp thuế chống bán phá giá lên một số sản phẩm nhập khẩu như màng nhựa, bột ngọt. Đồng thời cũng trong 6 tháng đầu năm, các DN Việt đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi dài làm từ polyester, một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô.

Ngày 22/7, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1900/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen (thường gọi là màng BOPP) có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Vụ việc này được khởi xướng điều tra vào ngày 4/8/2019.

Kết quả điều tra cho thấy, ngành sản xuất sản phẩm màng BOPP trong nước đã và đang chịu thiệt hại đáng kể trong thời gian qua, thể hiện ở các yếu tố như sụt giảm nghiêm trọng lượng hàng bán, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, công suất sản xuất. Biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 9,05% – 23,71%, cũng đồng thời là mức thuế chống bán phá giá chính thức đối với các sản phẩm này. Theo Cục Phòng vệ thương mại, về cơ bản mức thuế chính thức thấp hơn mức thuế sơ bộ được áp dụng trước đó, phản ánh sự cân nhắc hài hòa giữa quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm màng BOPP.

Ngay trước đó, vào ngày 22/7, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia. Vụ việc này cũng đã được quyết định khởi xướng điều tra vào ngày 4/8/2019 và áp thuế tạm thời vào ngày 18/3/2020.

Theo số liệu của IHS Markit, trong năm 2019, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đối với sản phẩm này, chiếm khoảng 17,5%. Kết quả điều tra theo quy định của WTO và Luật Quản lý Ngoại thương cho thấy hàng nhập khẩu bán phá giá đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Cơ quan điều tra cũng xác minh biên độ phá giá cụ thể của các DN Trung Quốc và Indonesia để đề xuất mức thuế chống bán phá giá tương ứng. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong kết luận điều tra chính thức không thay đổi so với kết luận sơ bộ, ở mức 6,38 triệu đồng/tấn.

Ngoài 2 vụ việc khởi xướng điều tra vào năm 2019 và chính thức áp thuế trong năm 2020, trong nửa đầu năm nay, các DN sản xuất trong nước cũng đã đệ đơn lên Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với 2 sản phẩm là sợi dài làm từ polyester và đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô.

Cụ thể, ngày 6/4/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BCT điều tra chống bán phá giá đối với sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Nguyên đơn của vụ việc này là Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Industries và Công ty cổ phần sợi Thế kỷ.

Gần đây nhất, ngày 29/6/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nguyên đơn là các DN trong nước gồm Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, Công ty TNHH MK Sugar Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường La Nga.

Các ngành hàng phải hợp lực

Cục Phòng vệ thương mại cho hay, các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại thuộc các nhóm sắt thép, phân bón, chất dẻo, hàng dệt, thực phẩm. Đây đều là những mặt hàng có vai trò quan trọng, là xương sống trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Theo các chuyên gia về hội nhập, các vụ kiện phòng vệ thương mại thường có chi phí cao và thời gian kéo dài, gây ra tâm lý e ngại của DN. Thông thường ở các quốc gia, hiệp hội ngành hàng phải là đơn vị đứng ra làm đầu mối khởi xướng, triển khai và chủ trì các hoạt động liên quan, nhưng hiện nay các hiệp hội ngành hàng trong nước ít chú trọng biện pháp này, mà phần lớn là do chính DN tự đề xuất.

Luật sư Nguyễn Văn Hà – Công ty Luật S&B phân tích, việc các DN ít sử dụng công cụ phòng về thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, là do rất nhiều nguyên nhân cả ở phía DN và các cơ quan quản lý. Đối với các DN, trước hết là chưa có ý thức sử dụng các công cụ pháp lý hợp lý này để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu; trong khi thế giới đã thừa nhận và sử dụng rộng rãi thì Việt Nam vẫn chỉ đang bước đầu áp dụng.

Lý do khác từ phía các DN là chưa có hiệp hội hoạt động thực sự hiệu quả nhằm trợ giúp DN, nâng cao sức mạnh đoàn kết. Thực tế các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua chỉ là hoạt động của một vài DN đơn lẻ mà không phải là của cả một hiệp hội ngành nghề. Điều này khiến cho việc áp dụng thành công các biện pháp phòng vệ thương mại thêm khó khăn.

Trên thực tế đã từng có trường hợp DN trong ngành sản xuất thép phản đối lẫn nhau khi đề xuất áp dụng phòng vệ thương mại đối với sản phẩm ống thép không gỉ. Kết quả là vụ việc vừa được nộp đơn đã ngay lập tức bị phản đối bởi chính nội bộ ngành sản xuất này, khi mà có nhiều DN lên tiếng không đồng tình với quyết định khởi kiện của một DN Việt Nam (Inox Hòa Bình và Posco), vì cho rằng chính các DN này đang sử dụng phòng vệ thương mại như một công cụ để thâu tóm nền sản xuất mặt hàng này ở thị trường trong nước.

Một lý do khác xuất phát từ phía các cơ quan quản lý là chưa chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ít nhất là hướng dẫn các hiệp hội, các DN phương hướng xử lý vụ việc. Theo luật, các cơ quan quản lý cũng có thể chủ động khởi xướng điều tra, song trên thực tế điều này chưa từng xảy ra, mà hoàn toàn là DN phải chủ động.

Theo Lan Hương/Thời báo Ngân hàng