Tổng cục Hải quan vừa ban hành công văn số 6068/TCHQ-GSQL yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan liên quan tới việc nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Cụ thể, nhằm tháo gỡ những tồn tại trong việc giải quyết thủ tục hải quan đối với nhập khẩu hàng hóa là thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Tổng cục Hải quan mới đây đã yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cần lưu ý kiểm tra một số nội dung trong các khâu: đăng ký tờ khai hải quan; hồ sơ hải quan; kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với tờ khai phân luồng đỏ).
Đối với đăng ký tờ khai hải quan, cơ quan hải quan chỉ đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa là thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực. Vì vậy, trong bộ hồ sơ hải quan, ngoài các chứng từ theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT- BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC).
Công văn của Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu công chức hải quan thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và hướng dẫn tại Điều 7 Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2016 của Tổng cục Hải quan, kiểm tra tính hợp lệ, đối chiếu thông tin trên các chứng từ do người khai hải quan cung cấp với các chứng từ khác thuộc bộ hồ sơ hải quan.
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với tờ khai phân luồng đỏ) thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và hướng dẫn tại Điều 8 Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2016 của Tổng cục Hải quan.
Trong đó, lưu ý một số nội dung như: Kiểm tra tên thuốc, tên nguyên liệu làm thuốc, thành phần, quy cách đóng gói phải phù hợp với thông tin khai trên tờ khai hải quan, tờ hướng dẫn sử dụng tiếng Việt kèm sản phẩm; Kiểm tra tên, địa chỉ cơ sở sản xuất phải đúng tên nhà sản xuất ghi trên Giấy phép lưu hành sản phẩm, tờ hướng dẫn sử dụng tiếng Việt kèm sản phẩm; Kiểm tra hạn dùng ghi trên bao bì sản phẩm.
Bên cạnh đó, thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, trừ thuốc được cấp phép nhập khẩu không vì mục đích thương mại theo quy định tại khoản 7 Điều 91 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.
Trường hợp kết quả kiểm tra xác định thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về dược thì thực hiện tiếp thủ tục hải quan theo quy định. Trường hợp kết quả kiểm tra xác định lô hàng thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khấu không đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về dược thì xử lý theo quy định.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, chấn chỉnh công chức trong thực hiện quy trình thủ tục hải quan. Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành đánh giá, kiểm tra sau thông quan đối với các Công ty có dấu hiệu sai phạm rõ ràng.
Trước đó, theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, cơ quan này phát hiện một số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định tại Luật dược 2016, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành về đăng ký lưu hành, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt là các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Theo Bảo Linh/Vietq.vn