Phụ nữ đóng vai trò cốt yếu trong sự thành công và tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của phụ nữ là điều cần thiết để giảm đói nghèo và mở ra tiềm năng kinh tế cho đất nước.
Theo chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard công bố mới đây, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam cũng đạt điểm số tương đối cao ở một số chỉ số như chỉ số bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, tiếp cận tài sản và kiến thức tài chính.
Song, cùng với đó, tỷ lệ “sợ thất bại” trong cộng đồng nữ doanh nhân Việt khá cao lại cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương tiềm ẩn, có khả năng cản trở tiến bộ và có xu hướng nghiêm trọng hơn bởi tác động của đại dịch Covid-19. Còn Báo cáo của Công ty tài chính quốc tế (IFC) cũng chỉ ra mức độ đáp ứng còn ít của ngân hàng về nhu cầu vốn của nữ doanh nhân.
Ở chiều hướng khác, dù tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp cao, các nữ doanh nhân lại gặp không ít rào cản về định kiến xã hội, định kiến giới và nghi ngại về khả năng chèo lái doanh nghiệp thành công. Vẫn còn những định kiến rằng, phụ nữ không thể chu toàn giữa công việc gia đình và kinh doanh, phụ nữ thường né tránh rủi ro một cách tiêu cực, khả năng trả nợ vay của phụ nữ kém, hay không có đủ kiến thức và kỹ năng kinh doanh…
Đại dịch Covid-19 càng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do nữ làm chủ dễ bị tổn thương hơn trên phương diện tài chính, doanh thu sụt giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại và vận tải. Chuỗi phỏng vấn chuyên sâu do Tổ chức CARE và NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) thực hiện cho thấy các doanh nghiệp có nữ làm chủ chịu ảnh hưởng tiêu cực và không đồng đều.
Hướng tới mục tiêu nâng quyền của các nữ chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này; đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính và tăng trưởng bao trùm, Tổ chức CARE, Mastercard, VPBank, Sáng kiến Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) và Công ty TNHH công nghệ Canal Circle Việt Nam vừa công bố Sáng kiến thắp lửa (IGNITE). Dự án sẽ tiếp cận khoảng hơn 50 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có từ 2-10 nhân công tại Việt Nam, hỗ trợ nữ doanh nhân tiếp cận các công cụ phù hợp để số hóa doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
“Phụ nữ đóng vai trò cốt yếu trong sự thành công và tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của phụ nữ là điều cần thiết để giảm đói nghèo và mở ra tiềm năng kinh tế cho đất nước. Chúng tôi vinh dự là một đơn vị triển khai Sáng kiến hỗ trợ các nữ doanh nhân Việt Nam tiếp cận các công cụ họ cần để số hóa doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của tổ chức về cam kết bao gồm tài chính, cung cấp cho 25 triệu doanh nhân nữ các giải pháp giúp họ phát triển doanh nghiệp của mình”, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ.
Với vai trò là đối tác công nghệ kết nối tài chính, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc điều hành Canal Circle nhấn mạnh tới sự cần thiết của ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các yêu cầu kinh doanh của doanh nhân nữ. Điều này càng quan trọng hơn với doanh nhân nữ ở các vùng nông thôn có hạ tầng kém phát triển, thiếu cơ hội tiếp cận kiến thức – công nghệ mới. Canal Circle sẽ làm việc với các tổ chức tài chính vi mô và các quỹ tín dụng nhân dân để hỗ trợ doanh nhân nữ ở các vùng nông thôn tiếp cận với các nguồn tài chính trong khả năng chi trả, thông qua công nghệ, qua đó đảm bảo các cơ hội tốt hơn cho phát triển hay phục hồi việc kinh doanh đang bị gián đoạn bởi dịch Covid-19.
Theo Hữu An/Thời báo Ngân hàng