Categories Thị trường

Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU

Trước thực trạng thiếu hàng đang nảy sinh ở thị trường EU do đứt gãy nguồn cung ở Đông Nam Á, cùng với việc các đối thủ cạnh tranh vẫn đang vật lộn với dịch bệnh, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng chớp cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Bởi lẽ, một khi thị trường ổn định, tình thế sẽ khó hơn nhiều.

Nhiều cơ hội cho hàng Việt tại EU

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong bối cảnh mới”, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam thì EU là một thị trường rất quan trọng, không chỉ vì quy mô lớn thứ hai, sau thị trường Mỹ mà Việt Nam còn lợi thế tại đây nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Mặt khác, EU còn là thị trường lớn với kim ngạch nhập khẩu đứng thứ hai thế giới, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn cầu, trong khi đó hàng Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần. Như vậy, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU. Một dấu hiệu tích cực nữa là sau sự sụt giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì kinh tế khu vực EU đang khởi sắc trở lại trong năm 2021. Dự báo tăng trưởng của thị trường này trong năm nay có thể đạt tới 5% và kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại mạnh mẽ hơn. Đây là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

tan dung co hoi day manh xuat khau vao thi truong eu
Có rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu sang EU thời gian tới

Thực tế, khi có sự hỗ trợ rất lớn từ Hiệp định EVFTA thì theo cập nhật tính từ đầu năm đến nay, dù nước ta gặp nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn đạt kết quả tích cực.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên vẫn đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tiếp cận và duy trì hoạt động xuất nhập khẩu tại một thị trường lớn và đa dạng như EU không những giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được khó khăn trong và sau đại dịch, mà còn là nền tảng tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho biết, dự báo, năm nay EU có thể tăng trưởng 5,2%, cao hơn dự báo hồi tháng 4 là 0,7% và sang năm EU có thể tăng trưởng 4,4%. Những đánh giá gần đây cho thấy, thị trường EU đang phục hồi tương đối tích cực. Quá trình phục hồi đi kèm với các ý tưởng mới, về các FTA, chuyển đổi số, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, phục hồi xanh. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng tại các khu vực này tăng trở lại, sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy lưu chuyển, xuất khẩu hàng hóa cho các nước khác, đặc biệt với Việt Nam.

Chia sẻ về cơ hội của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương thông tin: Vì đứt gãy nguồn cung ở Đông Nam Á, hàng tiêu dùng, phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm ở EU đang không dồi dào và không có nhiều sự lựa chọn như trước đây. Trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang vật lộn với dịch bệnh thì doanh nghiệp Việt đang dần phục hồi. Cùng với đó, chi phí vận chuyển đường biển tăng cao nhưng Việt Nam đã thông tuyến đường sắt quốc tế, để sang tới Bỉ, Đức, chính vì vậy, đây là một “lối thoát” để doanh nghiệp Việt tận dụng, chớp thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu.

“Tuy nhiên, lợi thế từ EVFTA cũng sẽ không kéo dài, khi một số nước khu vực cũng đang đàm phán FTA với EU. Có thể 3-5 năm nữa, sẽ có nước hưởng lợi thế FTA như nước ta. Mặt khác, thời gian phục hồi kinh tế, bật lại sức tiêu dùng ở EU chỉ kéo dài từ 6 -12 tháng tới, chính vì vậy khi thị trường ổn định, con đường vào thị trường này sẽ khó hơn nhiều”, bà Hiền nhấn mạnh.

Chủ động nắm lấy cơ hội

Theo ông Châu Việt Bắc, vốn là một thị trường khó tính, việc xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu là cuộc cạnh tranh rất khắc nghiệt và đầy thách thức. Từ thực tiễn các vụ tranh chấp đã xảy ra và được giải quyết trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp Việt đang có một số vấn đề về pháp lý liên quan đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dẫn đến phải chịu các thiệt hại không đáng có và phải gánh các hậu quả pháp lý.

Theo đó, để duy trì được thị phần, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu đầy đủ những quy định của đối tác và có biện pháp kịp thời để khắc phục những hạn chế. Thông qua đầu tư về thương hiệu, nhãn mác, bao bì, liên tục cập nhật về thị hiếu của người tiêu dùng tại EU…

Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng thông tin, hiện có một số mặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha còn gặp tranh chấp trong thực hiện hợp đồng mua bán thương mại với đối tác. Cụ thể là thực hiện các điều khoản về thời hạn giao hàng, điều kiện thanh toán, thanh toán các chi phí về kiểm định hàng hóa, hay lưu kho cảng khi có những sự cố xảy ra liên quan đến yêu cầu về kỹ thuật. Doanh nghiệp Việt Nam đôi khi chưa thực sự lưu ý đến việc đưa vào hợp đồng mua bán các điều khoản thuận lợi về phía mình khi nảy sinh tranh chấp.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là điều quan trọng mà doanh nghiệp Việt rất cần lưu ý. Cần chú ý từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu mua, chế biến, chuyên chở… để không vi phạm các quy định hiện hành của EU, giữ được niềm tin, chữ tín với doanh nghiệp, bạn hàng EU. Hơn nữa, sau đại dịch, xu hướng tiêu dùng của nhiều người dân châu Âu đã thay đổi, ưu tiên cao hơn cho những sản phẩm thông minh, tiện ích, đáp ứng phát triển bền vững; với thực phẩm thì yêu cầu về an toàn sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về phương thức mua bán, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Thắng cũng cho biết, EU cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của nước xuất khẩu, cụ thể về an toàn lao động, môi trường và những điều kiện về lao động khác. Đây được coi là điều kiện ràng buộc của các nước EU trong đó có Tây Ban Nha, khi ký kết các hợp đồng mua bán. Bản thân các điều khoản trong EVFTA cũng có quy định riêng về hàng hóa, bảo vệ môi trường.

Vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động theo dõi sát sao các biến động thị trường và nắm bắt thông tin Hiệp định EVFTA. Xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản trong trung hạn và dài hạn. Kịp thời nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới, đa dạng hóa thị trường.

Cùng với đó, gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận thêm các thị trường mới, đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu, đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng các công cụ trực tuyến.

Theo Hạ Chi/Thời báo Ngân hàng