Việc đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm là phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ tại thị trường EU.
Qua 2 tháng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU(EVFTA) đi vào thực thi, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã và đang tận dụng được những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu thủy sản dần tăng trưởng khả quan. Số lượng đơn hàng đối với mặt hàng tôm đã tăng lên từ 10-15% so với cùng kỳ và hy vọng từ nay đến cuối năm, nhu cầu sẽ tăng cao so với năm trước. Đối với nông sản, hàng loạt mặt hàng như gạo, cà phê, trái cây… liên tiếp được xuất khẩu sang thị trường này ngay sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực, tận dụng tốt các ưu đãi về thuế.
Theo Bộ Công thương, tính đến giữa tháng 10, sau hai tháng rưỡi thực thi Hiệp định EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. So với các FTA khác như CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, FTA Việt Nam – Cuba… thì số lượng C/O trong EVFTA lớn hơn rất nhiều. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả EVFTA.
Mặc dù bước đầu kết quả đạt được theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế đánh giá về lâu dài, do EU là thị trường lớn, có những đòi hỏi khắt khe nên khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia, tiếp cận vào thị trường này buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định mà EU đã quy định. Đây là một thách thức, song sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong sân chơi thương mại quốc tế.
Theo ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), để thực thi Hiệp định EVFTA, một trong những vấn đề quan trọng đó là chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đại thuế quan. Do đó việc đầu tiên doanh nghiệp cần hết sức quan tâm là phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ. Ngoài ra, về chất lượng, hiện khái niệm chất lượng thủy sản đang dịch chuyển về phía an toàn, có nghĩa là kiểm soát được cả chuỗi sản xuất, chứ không phải là ở trong một nhà máy hay phân xưởng sản xuất. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, quản lý chất lượng theo chuỗi hệ thống cung ứng là việc cần phải được quan tâm tối đa.
“Với ngành thủy sản, các doanh nghiệp đã làm việc này nhiều năm nay chứ không phải tới bây giờ mới bắt đầu khởi động nên không khó để nắm bắt cơ hội tại thị trường EU cũng như ở nội địa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa chúng ta lơ là trong quản lý, nâng cao chất lượng mà cần phải làm tốt hơn nữa để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Hòe lưu ý.
Ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ thêm, EU là thị trường có quy định khắt khe bậc nhất thế giới, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, vì vậy, muốn khai thác, tận dụng hiệp định hiệu quả, không thể vội vàng mà buộc doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị cặn kẽ các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng. Mặt khác, dưới tác động của dịch Covid-19, EU đang có thêm những quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu.
Để giải bài toán quy tắc xuất xứ, trong tình hình khó khăn chung cũng như tiềm lực của doanh nghiệp còn hạn chế, Chính phủ, Bộ, ngành cần có những chính sách, cơ chế mang tính đột phá, tạo môi trường để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh sáng tạo, nhất là tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bởi thị trường EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân theo…
Theo Thanh Tùng/Vietq.vn