Tạm giữ hơn 400 quần áo gắn thương hiệu IFU

Trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết trên sản phẩm hơn 297 triệu đồng. Do chủ cửa hàng không có mặt nên đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.

Đội Quản lý thị trường số 6 – Cục QLTT Thái Bình đã kiểm tra đột xuất cửa hàng thời trang IFU và phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa. Cửa hàng này có địa chỉ tại số 137 Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng có 414 sản phẩm quần áo thời trang nữ có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa, chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết trên sản phẩm hơn 297 triệu đồng. Do chủ cửa hàng không có mặt để làm việc nên đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để thẩm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thương hiệu thời trang IFU mới xuất hiện tại Việt Nam gần đây, chuyên dành cho phái nữ bao gồm áo, quần, đầm, chân váy và jumpsuit. Hệ thống này có 18 cửa hàng trên toàn quốc.

Cửa hàng có 414 sản phẩm quần áo thời trang nữ có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa, chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, đầu tháng 11/2019, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra cơ sở may mặc tại số 503 đường Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra, công nhân may của cơ sở đang cắt tem nhãn gốc bằng tiếng Trung Quốc và thay bằng nhãn NEM và IFU.

Cụ thể, gồm 66 bao quần áo các loại có chữ Trung Quốc, 2.130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và tang vật là 4 máy khâu và 49 kg tem nhãn các loại để điều tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục QLTT Hà Nội cho biết, các mặt hàng quần áo của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam đều được gia công ở nước ngoài. Việc gia công ở nước ngoài là được phép, tuy nhiên khi nhập về Việt Nam cần ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều thương hiệu tự ý gắn mác “Made in Vietnam”, trong khi hàng hóa lại được gia công ở nước ngoài là sai quy định.

Theo Hoàng Yến/Người tiêu dùng