Tài xế tố FastGo lừa mua xe Fadil, hãng nói lái xe không giữ cam kết

Sáng 13/11 tại Hà Nội, nhiều tài xế đối tác của FastGo đã căng băng rôn tố ứng dụng gọi xe này “lừa” họ mua xe Vinfast Fadil dẫn tới nguy cơ vỡ nợ.

Trên nhiều tuyến đường xung quanh tòa nhà 18 Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi FastGo đặt trụ sở, đã xuất hiện nhiều xe Vinfast Fadil với băng rôn “tố” hãng gọi xe này có hành vi lừa đảo.

Các băng rôn đều có chung nội dung: “FastGo lừa mua xe Fadil làm cho tài xế vỡ nợ”. Những xe này dán băng rôn ở kính sau, liên tục di chuyển và đỗ xe quanh tòa nhà số 18 đường Tam Trinh.

Sáng 13/11 tại Hà Nội, hàng loạt tài xế đối tác của FastGo đã căng băng rôn tố ứng dụng gọi xe này “lừa”, dẫn tới vỡ nợ.

Trước đó, vào tháng 9, Vinfast và FastGo đã hợp tác để đưa ra chương trình hỗ trợ tài xế đối tác của FastGo mua xe Vinfast Fadil. Đại diện hãng gọi xe khi đó chia sẻ hãng sẽ đóng vai trò trung gian, đứng giữa để môi giới tài xế chạy taxi dịch vụ với VinFast, thông qua hai cách thuê và mua xe.

Hai bên ban đầu triển khai 1.000 xe bán và 500 xe cho thuê cùng kế hoạch mở rộng cả về số lượng lẫn loại xe trong tương lai.

Giá mua ưu đãi cho tài xế đối tác không được công khai. Trong khi nếu thuê, mức phí thuê xe từ FastGo sẽ khoảng 9 triệu đồng/tháng, giấy tờ xe đứng tên VinFast.

FastGo khi đó cam kết doanh thu cho tài xế khi đáp ứng đủ các yêu cầu ở mức 25 triệu/tháng, nếu không đạt sẽ hỗ trợ. Xe thuê dự kiến khấu hao trong khoảng 4 năm.

Tuy nhiên, theo nhiều tài xế đối tác phản ánh trên mạng xã hội, mức thu nhập khi tham gia chương trình mua ưu đãi này từ FastGo không đạt được như cam kết cũng như không được hãng hỗ trợ. Họ đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi mua xe.

Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo của FastGo khẳng định không có tình trạng doanh nghiệp này thất hứa với tài xế đối tác như tố cáo. Theo đó, số lượng tài xế căng băng rôn không nhiều như trên mạng xã hội đăng tải, mà chỉ có 3 người.

Theo doanh nghiệp, trong tháng 10/2019, 3 đối tác lái xe gây ra sự việc nêu trên chưa đáp ứng các điều kiện cam kết, đặc biệt là tỷ lệ hoàn thành chuyến đi rất thấp (nhận cuốc xong lại hủy không đón khách hoặc không đón được khách).

Cụ thể, tài xế Vi Văn Nam, Nguyễn Như Thành và Lê Minh Tuấn chỉ có tỷ lệ hoàn thành chuyến ở mức lần lượt là 72,02%, 59,89% và 52,34%, thấp hơn rất nhiều so với mức cam kết 90%.

“Do 3 đối tác tài xế nêu trên không đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã thống nhất nên theo đúng hợp đồng hợp tác thì họ sẽ không được hưởng chính sách theo cam kết. Tuy nhiên, trên tinh thần hỗ trợ cao nhất, công ty FastGo vẫn xem xét và hỗ trợ một phần doanh thu cho các đối tác tài xế”, doanh nghiệp cho biết.

Đại diện FastGo cho biết sau khi nhận được đối soát doanh thu, 3 đối tác tài xế đó không đồng ý và dọa biểu tình. FastGo đã nhiều lần mời đến làm việc, 3 đối tác tài xế đó không đến mà có hành vi gây rối bằng cách treo băng rôn phản đối.

“Hành vi cố tình đưa thông tin sai sự thật và kêu gọi những đối tác tài xế khác cùng tham gia phản đối nhằm phá hoại hình ảnh và uy tín của FastGo và các đối tác liên quan, có dấu hiệu vu khống danh dự và uy tín của doanh nghiệp”, vị này chia sẻ.

Ứng dụng gọi xe công nghệ FastGo chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 6/2018. Sau một năm hoạt động, FastGo có khoảng 70.000 đối tác lái xe, đã thực hiện gần 2 triệu chuyến đi, cung cấp các dịch vụ chính là FastCar, FastTaxi, FastBike, FastSky.

Đây là ứng dụng trong hệ sinh thái công nghệ của Tập đoàn NextTech, doanh nghiệp mà "Shark" Nguyễn Hòa Bình đang giữ ghế chủ tịch.

Theo Ngô Minh/Zing.vn

Print Friendly, PDF & Email