Sức mua bật lên trong 4 ngày nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 4 ngày và trùng với dịp cuối tuần đã được các nhà bán lẻ, tiểu thương kỳ vọng là cú hích kéo sức mua lên cao sau hơn 2 tháng sụt giảm vì dịch Covid-19

Trước ngày 30-4 khoảng 1 tuần, các hệ thống siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm… và cả các trung tâm thương mại đã lần lượt tung khuyến mãi, giảm giá rất nhiều mặt hàng để thu hút khách. Đặc biệt, chương trình giảm giá “sốc” diễn ra từ ngày 30-4 đến 3-5 với mức giảm lên đến 50%, kèm theo nhiều quà tặng và quyền lợi hấp dẫn dành cho khách hàng. Trong đó có một số nhà bán lẻ giảm giá mạnh cho hàng ngàn sản phẩm. Các chuỗi cửa hàng thực phẩm như: Bách Hóa Xanh, Hiền Hà, San Hà, Co.op Food… đều có chương trình giảm giá, khuyến mãi lớn. Đặc biệt, nhiều mặt hàng thịt gà công nghiệp chỉ còn 20.000-30.000 đồng/kg, gà thả vườn (gà tam hoàng) nguyên con từ 80.000 đồng/kg giảm còn 55.000-60.000 đồng/kg.

Trước kỳ nghỉ lễ, một số hệ thống siêu thị đã dự báo phản ứng thị trường sẽ tốt dần lên, người tiêu dùng sẽ trở lại chi tiêu, mua sắm sau những ngày thận trọng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa giá tốt và phối hợp các nhãn hàng tiến hành khuyến mãi, giảm giá.

Người tiêu dùng tăng chi tiêu, mua sắm trong những ngày nghỉ lễ vừa qua Ảnh: THANH NHÂN

Thực tế, sức mua tại các siêu thị, chợ trên địa bàn TP HCM đã tăng tốt trong những ngày nghỉ lễ. Nếu như khách đi chợ chỉ tập trung đông đúc vào sáng sớm và chiều mát thì nhiều gia đình đã chọn siêu thị, trung tâm thương mại làm nơi vui chơi giải trí, mua sắm để tránh nóng. Ghi nhận nhanh của các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, MM Mega Market, Lotte Mart, Aeon, Emart… cho thấy lượng khách, giá trị giỏ hàng cải thiện đáng kể trong những ngày nghỉ lễ. Lượng khách đặt hàng qua điện thoại, phần mềm mua hàng cũng tăng. Theo ước tính của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, doanh số bình quân đã tăng hơn 30% so với thời điểm trước khi cách ly xã hội. Những mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là thủy hải sản, các loại thịt gia cầm, rau củ quả, nước giải khát, kem chống nắng, khẩu trang và các sản phẩm nhà bếp có khuyến mãi giảm giá mạnh. Các mặt hàng hải sản cao cấp như cua, tôm nhập khẩu và tôm hùm xanh trong nước bị “cháy’ hàng tại một số siêu thị. Riêng các loại thịt gà, thịt bò, hải sản, hàng đông lạnh và các loại rau lá sức mua đã tăng gấp đôi so với tuần trước.

Tại các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1) hàng hóa nhiều, giá cả ổn định. Các mặt hàng được người dân mua nhiều chủ yếu là hàng tươi sống (thủy hải sản, heo, bò, gà, rau củ quả, trái cây…). Thời điểm này cũng đang bắt đầu vào mùa trái cây nên lượng hàng ra chợ nhiều, giá giảm. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng trái cây về chợ trong 2 ngày 30-4 và 1-5 khoảng 1.300 tấn/ngày, tăng 100-200 tấn so với trước đó. Hiện 3 mặt hàng trái cây theo mùa về chợ đầu mối nhiều là vải Đắk Lắk, măng cụt Thái Lan và bòn bon Thái Lan.

Năm nay, giá thịt heo quá cao đã thúc đẩy doanh số bán hàng của các loại hải sản cao cấp do ở cùng phân khúc giá. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia (TP HCM), cho biết lượng hải sản bán ra trong dịp lễ tăng hơn 50% so với trước đó. “Thịt heo loại ngon cũng hơn 200.000 đồng/kg nên nhiều người chuyển sang dùng hải sản. Hiện có nhiều loại hải sản quanh giá 200.000 đồng/kg như: nghêu 2 cồi, tôm sú, sò điệp Nhật Bản. Ngay cả tôm hùm có loại chỉ 159.000 đồng/con (khoảng 300 g), 399.000 đồng/con (500-600 g) còn sống, nếu tôm vừa ngộp giá còn rẻ hơn nhiều nên bán rất chạy” – ông Trường cho hay.

Cũng theo ông Trường, sở dĩ hải sản cao cấp giá ngày càng rẻ là do doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp với số lượng lớn nên có giá tốt. Công ty không chỉ bán sỉ mà còn mở các cửa hàng bán lẻ trực tiếp, bán giao tận nơi cho khách lẻ nên giá hải sản không còn quá đắt như trước.

Bảo đảm an toàn phòng dịch

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết phản ứng của thị trường trong những ngày qua đúng như dự đoán của nhà bán lẻ. Người tiêu dùng dần trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp không chủ quan mà vẫn đang thận trọng theo dõi tình hình để vừa bảo đảm đủ hàng cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ vừa bảo đảm an toàn phòng dịch cho đến khi Chính phủ chính thức công bố hết dịch.

Theo Phương An – Ngọc Ánh/Báo Người lao động