Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Aqua One, khẳng định công nghệ của Nhà máy nước mặt sông Đuống là công nghệ châu Âu, nước đạt tiêu chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aone Deutschland AG, đối tác vừa cung cấp thiết bị vừa vận hành cho Nhà máy nước mặt sông Đuống, là ông Lê Toàn, chồng Shark Liên.
Giữa lùm xùm về giá nước, mới đây, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã đăng đàn khẳng định Nhà máy nước mặt Sông Đuống được vận hành tự động hóa, công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam (tương đương các tiêu chuẩn quốc tế). Toàn bộ thiết bị của nhà máy có xuất xứ từ châu Âu, cung cấp nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Đối tác là công ty của chồng Shark Liên
Trước đó, theo truyền thông trong nước, ngày 25/3/2019, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức – ông Peter Altmaier – và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung, Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) và Công ty CP nước AquaOne (Việt Nam) đã ký “Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tối ưu hoá và vận hành các nhà máy nước cho AquaOne với giá trị 100 triệu USD”.
Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Aone Deutschland AG là doanh nghiệp đến từ Đức, Chủ tịch của Tập đoàn này là ông Lê Toàn, chồng của Shark Liên, Chủ tịch HĐQT AquaOne và Công ty CP nước mặt Sông Đuống. Ngoài vị trí cấp cao tại Aone Deutschland AG, ông Lê Toàn trước đây có thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu & Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VUNGTAU SHIPYARD).
Tập đoàn Aone Deutschland AG cũng đồng thời là tổng thầu EPC tại dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Như vậy, Aone Deutschland AG vừa là nhà cung cấp giải pháp công nghệ, vừa cung cấp thiết bị, lắp đặt và cuối cùng là tối ưu hóa và vận hành nhà máy này của AquaOne.
Nói cách khác, Shark Liên đã ký hợp đồng thuê chính chồng mình xây dựng và vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Điều này cũng có nghĩa, phần lớn dòng tiền đầu tư nhà máy chỉ luân chuyển trong “họ” doanh nghiệp gia đình Shark Liên.
Tại Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Phát triển Hà Nội 2018, trước sự chứng kiến của UBND TP. Hà Nội, Công ty CP nước Aqua One và Tập đoàn Aone Deutschland AG cũng ký liên doanh về nghiên cứu đề xuất xây dựng 1 nhà máy xử lý bùn thải công nghệ cao tại Hà Nội, với quy mô xử lý 2.000 – 2.500 tấn bùn/ngày, vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu USD.
Ngoài ra, vừa qua Aqua Qne và Aone Deusheuche cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái các hệ thống bể xử lý nước tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, với tiềm năng công suất lên tới 10,8MWp.
Như vậy, có thể thấy, Tập đoàn Aone Deutschland AG cũng không chỉ liên kết với Aqua One của Shark Liên để triển khai dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống. Quan hệ giữa hai doanh nghiệp của vợ chồng Shark Liên – ông Lê Toàn là lâu dài, bền chặt và đang phát huy hiệu quả, với tiềm năng có thể thâu tóm thị trường nước sạch và xử lý chất thải của Hà Nội, cũng như nhiều địa phương khác của Việt Nam.
Vòng xoay tiền quanh công ty vợ chồng Shark Liên
Những bước đi của vợ chồng Shark Liên – ông Lê Toàn, thông qua hai doanh nghiệp Việt – Đức là Công ty CP nước Aqua One và Tập đoàn Aone Deutschland AG, một cách chắc chắn, đang dần tiến tới mục tiêu định hình lại thị trường cung cấp nước sạch Hà Nội. Kế hoạch này dựa trên ba trụ đỡ chính.
Đó là Nhà máy nước mặt sông Đuống công suất có thể mở rộng lên 1,2 triệu m3/ngày, và Nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hòa Bình công suất 600.000m3/ngày. Thứ hai là hệ thống hàng trăm km ống cấp nước đang được xây dựng vươn tới hàng trăm nghìn khách hàng tại các quận nội thành và các huyện ngoại thành Hà Nội. Trụ đỡ quan trọng nhất, tất nhiên, là sự chấp thuận, hỗ trợ của Chính phủ, UBND TP.Hà Nội và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Trong đó, với kế hoạch do gia đình Shark Liên “lĩnh ấn” triển khai, UBND TP. Hà Nội giải được bài toán bế tắc hàng chục năm qua, với nhiều đời lãnh đạo của thành phố, trong cấp nước sạch tới các huyện ngoại thành. Bên cạnh đó là đặt tiền đề xoá bỏ thế cát cứ nhưng vẫn manh mún trong cấp nước sạch tại các quận nội thành.
Lưu ý là, cùng với việc Nhà máy nước mặt sông Đuống được xây dựng, UBND TP. Hà Nội cũng thúc đẩy ráo riết kế hoạch giảm dần khai thác nguồn nước ngầm – vốn là nguồn nguyên liệu chính của khá nhiều nhà sản xuất nước sạch tại thành phố.
Vietinbank là ngân hàng ký hợp đồng tài trợ đối với dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá trị cho vay lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Đơn giá nước tạm tính (10.246đ/m3) bị đánh giá là cao, dường như không phải mối bận tâm của Vietinbank. Vì về nguyên tắc, chi phí đầu tư cao sẽ kéo tăng giá thành sản phẩm và tác động tới tính khả thi của dự án. Nhưng điều đó không thực sự đúng trên thị trường nước, khi chi tiêu cho nước sạch chiếm phần rất nhỏ trong thu nhập bình quân của người dân. Với thị trường Hà Nội, nơi thu nhập bình quân người dân cao hơn hẳn những địa phương khác, giá nước sạch càng không có nhiều tác động. Mà khả năng cấp và chất lượng nước mới là áp lực với nhà cung cấp.
Thực tế là, công suất lớn, công nghệ của Đức, quy mô hệ thống bán lẻ vươn tới quá nửa TP. Hà Nội, vận hành trong hàng chục năm… mới là những đặc điểm hấp dẫn của dự án nước mặt sông Đuống với Vietinbank. Thậm chí là hấp dẫn hơn cả những tính toán cụ thể về chi phí, suất đầu tư bình quân, hay đánh giá về năng lực tự thân của người vay – ở đây là Công ty CP nước mặt sông Đuống với chi phối của Shark Liên và Công ty CP nước AquaOne.
Ngoài Nhà máy Nước mặt Sông Đuống tại Gia Lâm, Hà Nội vừa được khánh thành với công suất 300.000m3 ngày/đêm, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD) và có thể mở rộng lên 1,2 triệu m3/ngày, AquaOne còn giới thiệu là chủ đầu tư của nhiều nhà máy nước mặt khác, tại nhiều tỉnh thành.
|
Theo Nguyễn Minh/Dân Việt