“Sốt ruột” với tuyến Vành đai 3, 4 gần 10 năm chưa xong, UBND TP HCM có công văn khẩn gửi Bộ GTVT

TP HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án Vành đai 3, Vành đai 4 với tổng mức đầu tư hơn 154.000 tỉ đồng để giảm ùn tắc và phát triển kinh tế.

UBND TP HCM vừa có công văn khẩn, kiến nghị Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án khép kín Vành đai 3 trong giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án thành phần 1A sau khi Hiệp định vay được ký kết. Đối với dự án thành phần 1B được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư, sớm triển khai khởi công dự án.

Sốt ruột với tuyến Vành đai 3, 4 gần 10 năm chưa xong, UBND TP HCM có công văn khẩn gửi Bộ GTVT - Ảnh 1.
Sơ đồ quy hoạch các tuyến vành đai của TP HCM (đường viền đỏ ngoài cùng là đường vành đai 4, tiếp đó là Vành đai 3).

Đối với các đoạn còn lại, Bộ GTVT báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt chủ trương thực hiện dự án sử dụng vốn ODA theo đề xuất của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long đề có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ – ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến thuộc Vành đai 4. Trong giai đoạn 2020-2025, cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.

Động thái này được UBND TP đưa ra do 2 dự án đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch gần 10 năm trước nhưng đến nay tuyến Vành đai 3 mới làm được một đoạn ngắn (16 km), còn tuyến Vành đai 4 thì “án binh bất động”.

Do Vành đai 3, Vành đai 4 là các tuyến kết nối vùng nên vốn đầu từ ngân sách trung ương và Bộ GTVT được giao nhiệm vụ quản lý.

Cụ thể: đường Vành đai 3 dài gần 90 km, gồm 4 đoạn với tổng vốn khoảng 55.805 tỉ đồng. Trong đó, tiền giải phóng mặt bằng hơn 5.630 tỉ tại 4 địa phương. Điểm đầu của tuyến bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, sau đó đi qua Đồng Nai; TP HCM; Bình Dương và Long An. Điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM – Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Hiện chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km được đầu tư. Phần còn lại của dự án, đoạn Nhơn Trạch – Tân Vạn (gần 35 km) – được đơn vị nghiên cứu đánh giá thực sự cần thiết và phải nhanh chóng đầu tưnhưng đến nay chưa được triển khai do không xác định được nguồn vốn đầu tư.

Còn Vành đai 4 dài gần 200 km đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 99.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn Phú Mỹ – Trảng Bom (45,5 km, vốn 21.000 tỉ đồng); Trảng Bom – quốc lộ 13 (gần 52 km, vốn 24.000 tỉ đồng); Quốc lộ 13 – Quốc lộ 22 (gần 23 km, vốn 11.000 tỉ đồng); Quốc lộ 22 – Bến Lức (dài 41,6 km, vốn 23.000 tỉ đồng); Bến Lức – Hiệp Phước (gần 36 km, vốn 20.000 tỉ đồng).Hiện chỉ có đoạn Bến Lức – Hiệp Phước (dài gần 36 km đi qua TP HCM và Long An) được nghiên cứu đề xuất đầu tư, phần còn lại chưa được nghiên cứu.

Theo UBND TP, sau khi hoàn thành, Vành đai 3 sẽ kết nối Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 với các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành; TP HCM – Trung Lương; TP HCM – Long Thành – Dầu Giây; TP HCM – Mộc Bài. Việc này giúp liên kết vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh, hạn chế xe vào trung tâm TP, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.Vành đai 4 cũng có vai trò thúc đẩy tính kết nối liên vùng (trong đó có kết nối đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước) giúp phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Phan Anh/Báo Người lao động