Đã có hàng loạt hệ thống siêu thị điện máy thu hẹp diện tích kinh doanh hoặc biến mất khỏi thị trường
Chật vật cầm cự
Hầu hết trung tâm siêu thị điện máy quy mô lớn ở TP HCM như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Gia Thành, Điện Máy Xanh… không chỉ vắng khách trong hơn 1 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà tình trạng này đã diễn ra từ vài năm trước.
Nằm ngay trung tâm TP HCM, Trung tâm Điện máy Ideas (quận 3) thường xuyên chỉ có vài ba nhân viên trông giữ, không thấy khách hàng tới khảo sát hay chọn mua sản phẩm. Do ế ẩm nên trung tâm này không nhập hàng mới, hàng hóa trưng bày ở đây đa số là những mẫu từ nhiều năm trước. “Bước vào trung tâm điện máy mà có cảm giác như vào kho hàng vì vắng vẻ quá!” – một khách hàng hiếm hoi của Trung tâm Điện máy Ideas nói.
Ông Lại Viết Tuấn, phụ trách kinh doanh một hệ thống siêu thị điện máy ở quận 10, TP HCM, cho biết hệ thống này cũng lâm vào tình cảnh gần như tất cả các ngày trong tuần không có vị khách nào ghé, chỉ cuối tuần đón vài khách. “Nhân viên tự xin nghỉ việc như cơm bữa vì không có việc gì làm. Hàng ế mà chúng tôi phải tuyển nhân viên liên tục” – ông Tuấn chia sẻ.
Một siêu thị điện máy lớn khác ở quận 5, TP HCM đã phải san sẻ mặt bằng cho hoạt động khác trong nhiều năm qua vì không có khách. Gần đây, siêu thị này tiếp tục thu hẹp diện tích kinh doanh để có tiền bù đắp chi phí.
Các chuỗi bán lẻ điện máy hầu như đang cố gắng cầm cự, không mở điểm bán mới. Chỉ riêng chuỗi Điện Máy Xanh duy trì chiến lược mở điểm bán mới và đóng cửa sau 3 tháng hoạt động để tìm mặt bằng khác nếu không đạt doanh số theo kế hoạch. Một số chuỗi như Thiên Hòa, Nguyễn Kim gần đây phải đóng cửa nhiều điểm bán lẻ hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Còn 34 siêu thị điện máy Trần Anh thì biến mất vĩnh viễn sau khi Thế Giới Di Động mua lại chuỗi bán lẻ này.
Tại Hà Nội, Topcare bất ngờ đóng cửa 6 siêu thị điện máy, chuỗi Việt Long cũng đóng cửa sau 11 năm hoạt động.
Các nhà bán lẻ khác như Pico, HC, MediaMart… đều cố gắng bám trụ thị trường nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, chật vật trong cuộc đua thị phần.
Xu hướng tất yếu
Đúng như nhiều dự đoán, sau 5 năm nắm giữ 49% cổ phần Nguyễn Kim, đầu năm 2020, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) hoàn tất việc mua lại toàn bộ chuỗi điện máy này với giá trị thương vụ khoảng 2.600 tỉ đồng, bao gồm 2.250 tỉ đồng tiền mặt và 350 tỉ đồng được hạch toán vào khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp.
Trong khi đó, chuỗi điện máy Thiên Hòa lại khó tránh khỏi tiếc nuối vì khoảng chục năm trước đã từ chối chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài và hiện nay phải chật vật trụ lại trong bối cảnh thị trường ngày càng èo uột. Các thương vụ thành công và bất thành trên thị trường cho thấy xu hướng xuống dốc tất yếu của thị trường điện máy sau thời gian phát triển nóng theo nhu cầu rất lớn ở giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, nhìn nhận tình trạng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị ngày càng giảm là xu hướng chung. Do vậy, Thế Giới Di Động đã chủ động nhiều giải pháp hiệu quả về chi phí, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
Với hệ thống Thiên Hòa, ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam Hòa, cho biết công ty đang cắt giảm mặt bằng, chỉ giữ lại những lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh bán hàng online và đặt mục tiêu phấn đấu doanh số từ hình thức này đạt khoảng 60%-70% tổng doanh số.
Tương tự, với nỗ lực duy trì hoạt động, siêu thị điện máy Chợ Lớn cũng xúc tiến phối hợp với các hãng để chạy nhiều chương trình giảm giá mạnh đến 50%; phối hợp với các đơn vị tài chính để đưa ra nhiều giải pháp thanh toán cho người tiêu dùng, chẳng hạn trả góp kéo dài lên đến 24 tháng; tăng thời gian bảo hành sản phẩm…
Theo thông tin từ các nhà bán lẻ, tại các TP lớn, thị trường điện máy đã bão hòa, khó phát triển. Do đó, các nhà bán lẻ đang tập trung khai thác ở các TP nhỏ và thị trường nông thôn bởi người tiêu dùng ở đây bắt đầu mua sắm điện máy nhiều hơn trước.