Siết quản lý đa cấp, ngăn ngừa biến tướng

Các chuyên gia nhận định, việc sửa đổi Nghị định 40/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đang được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa những biến tướng của mô hình kinh doanh này, nhất là trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Hơn 30% đơn vị vi phạm pháp luật

Theo thống kê của Bộ Công thương, từ năm 2018 đến nay có gần 20 công ty nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; trong đó hơn 2/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù trong giai đoạn từ 2018-2020 hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam phát triển khá mạnh, nhưng mức độ và tần suất vi phạm pháp luật của các mô hình đa cấp khá cao so với các loại hình kinh doanh khác. Tính toán của Bộ Công thương cho thấy, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp giảm đến 2/3. Trong đó, 1/3 số lượng doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do không hiệu quả.

Cụ thể trong giai đoạn từ 2016-2020, Bộ Công thương đã kiểm tra 65 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, xử phạt hành chính 13 tỷ đồng và thu hồi giấy phép của 24 doanh nghiệp. Mặc dù mức độ khiếu kiện liên quan đến kinh doanh đa cấp những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, nhưng đến năm 2020, cả nước vẫn có gần 80 vụ khiếu kiện, tố cáo đối với các mô hình đa cấp. Nhiều vụ việc bị khởi tố hình sự với con số thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

siet quan ly da cap ngan ngua bien tuong
Các mô hình đa cấp huy động tài chính trên các App di động hiện khá phổ biến

Ở góc độ pháp lý, theo các luật sư chuyên về lĩnh vực thương mại và đầu tư, hiện nay bất cập lớn nhất của pháp lý liên quan đến kinh doanh đa cấp là sự chồng chéo và thiếu thống nhất giữa các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành.

LS. Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS cho rằng, Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ hiện nay là pháp lý cụ thể nhất để quản lý kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, nghị định này chủ yếu tập trung quản lý hoạt động bán hàng đa cấp mà chưa có những xác định cụ thể về các loại hình đa cấp.

Trên thực tiễn, vừa qua xuất hiện nhiều vụ việc mà doanh nghiệp, cá nhân thực hiện huy động vốn góp, nhận ủy thác đầu tư, bán cổ phần nội bộ… theo phương thức đa cấp. Về bản chất, đây là những hoạt động đa cấp biến tướng có tính chất lừa đảo. Tuy nhiên, để quản lý, xử phạt các đơn vị này là không dễ. Bởi Nghị định 40 quy định “kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh…” (Khoản 1, Điều 3). Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 thì quy định “kinh doanh là việc thực hiện liên tục, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” (Khoản 16, Điều 4).

Sự thiếu rõ ràng và không thống nhất giữa các văn bản pháp lý như trên dẫn tới việc lúng túng khi xác định các hoạt động huy động vốn có phải là hoạt động “kinh doanh” hay không. Từ đó, các cơ quan chức năng không biết căn cứ vào luật nào, nghị định nào để quản lý các mô hình biến tướng. Chưa kể rằng, hiện nay Nghị định số 141/2018/NĐ-CP (quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh đa cấp) cũng gặp vướng mắc. Bởi trong văn bản này không có quy định nào về xử phạt đối với những hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm, bao gồm: huy động vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ, tiền ảo…

Siết nhưng tránh gây khó cho doanh nghiệp

Theo ban soạn thảo nghị định, trước những bất cập pháp lý hiện hữu khi triển khai quản lý, xử phạt các công ty kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, việc siết chặt quản lý các mô hình kinh doanh theo phương thức này đang là nhu cầu cấp bách và cần sớm được áp dụng để giảm tránh thiệt hại cho người dân. Để hiện thực hóa việc này, dự thảo nghị định mới thêm vào các quy định rõ ràng cụ thể liên quan đến: tiền ký quỹ của doanh nghiệp và người bán hàng đa cấp; làm rõ hơn trách nhiệm người đại diện doanh nghiệp tại địa phương; làm rõ cơ chế bảo trợ quốc tế và quy định cụ thể về tỷ lệ hoa hồng cho người bán hàng đa cấp.

Theo Bộ Công thương, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải ký quỹ 5% vốn điều lệ, tối thiểu là 10 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để đảm bảo quyền lợi cho người bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ ràng về “các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp” nên việc xử lý tiền ký quỹ rất khó khăn. Các bên liên quan như cơ quan thuế, ngân hàng không có đủ cơ sở pháp lý để hợp tác. Vì vậy, nghị định mới sẽ thêm vào các nội dung để xác định rõ thế nào là “các nghĩa vụ liên quan” và hướng xử lý tiền ký quỹ khi doanh nghiệp phá sản.

Đối với trách nhiệm của người đại diện doanh nghiệp tại địa phương cũng như cơ chế bảo trợ quốc tế, Bộ Công thương cho rằng hiện nay các pháp lý cũng đã có quy định nhưng chế tài để quản lý và xử phạt vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, thời gian tới cần hướng bắt buộc gắn trách nhiệm và có biện pháp chế tài đối với người đại diện của doanh nghiệp tại địa phương, đồng thời hoạt động bảo hộ quốc tế cũng cần minh bạch trách nhiệm để tạo ra sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết các nội dung pháp lý mới được thêm vào trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 đều được các doanh nghiệp đồng tình. Tuy nhiên, Bộ Công thương cần tham khảo các quy định pháp luật về thuế, các quy định về quản lý ngoại tệ và những văn bản pháp lý hỗ trợ giải quyết tranh chấp liên quan đến yếu tố nước ngoài để đưa ra cơ chế bảo trợ quốc tế phù hợp và thống nhất. Bên cạnh đó, việc quy định quá cứng nhắc về tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng trên tổng lợi ích kinh tế mà người tham gia được hưởng (20%) có thể bị xem là can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Vì thế các quy định này cần được giải trình cụ thể trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế.

Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng