Categories Doanh nghiệp

Siết điều kiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Quy định người lao động không phải đóng tiền môi giới nhằm góp phần giảm chi phí cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Theo chương trình kỳ họp, chiều nay (23-10), Quốc hội (QH) sẽ thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bổ sung nhiều điều kiện

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (điều 10), ban soạn thảo đã bổ sung một số điều kiện doanh nghiệp (DN) được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như: có vốn chủ sở hữu từ 5 tỉ đồng trở lên; bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật phải là người không có án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm cụ thể khác và phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm…

Thực tế cho thấy việc quy định mức vốn 5 tỉ đồng như hiện hành là mức tối thiểu có thể bảo đảm yêu cầu về quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động làm việc ở nước ngoài, đây cũng là kinh nghiệm của một số nước trong việc quy định về năng lực tài chính của DN hoạt động trong lĩnh vực này. Tại điều 16, bổ sung một số trường hợp DN dịch vụ phải nộp lại giấy phép, bị thu hồi giấy phép như: giả mạo nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; không đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và tình huống bất khả kháng khác. Điều này nhằm góp phần nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của DN hoạt động dịch vụ, bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ của DN, bảo vệ tốt hơn cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Siết điều kiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.
Tư vấn việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lý giải về quy định DN dịch vụ chỉ được giao cho không quá 3 đơn vị phụ thuộc thực hiện hoạt động dịch vụ, Ủy ban Thường vụ QH cho biết báo cáo tổng kết thi hành luật hiện hành cũng chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chủ yếu xảy ra tại các chi nhánh của DN. Nếu để quá nhiều chi nhánh của DN có hoạt động dịch vụ này trong bối cảnh năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn hạn chế thì sẽ không tránh khỏi tình trạng khó kiểm soát, tiêu cực, lừa đảo như đã xảy ra thời gian qua.

Giảm chi phí cho người lao động

Theo dự thảo, DN dịch vụ chỉ được thu tiền dịch vụ (điều 24) của NLĐ sau khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận và DN dịch vụ đã ký kết hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp DN đã thu tiền dịch vụ của NLĐ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà NLĐ phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của NLĐ thì DN dịch vụ phải hoàn trả cho NLĐ số tiền dịch vụ và lãi suất tính theo tỉ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng. Trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì DN dịch vụ chỉ được thu từ NLĐ số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ mà hai bên đã thỏa thuận.

Mức trần tiền dịch vụ của NLĐ nộp cho DN dịch vụ phù hợp với từng thị trường, ngành nghề trong từng thời kỳ và theo nguyên tắc: Không quá 1 tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho 12 tháng làm việc; trường hợp đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1 tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho 12 tháng làm việc nhưng tối đa không quá 3 tháng tiền lương đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 36 tháng trở lên. Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho 12 tháng gia hạn làm việc không quá nửa tháng tiền lương. “Quy định này cùng với việc quy định NLĐ không phải đóng tiền môi giới nhằm góp phần giảm chi phí cho NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (kể cả trường hợp NLĐ ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trên 3 năm)” – Ủy ban Thường vụ QH cho hay.

Về tiền ký quỹ của NLĐ (điều 26), DN dịch vụ thỏa thuận với NLĐ về việc ký quỹ để bảo đảm NLĐ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. NLĐ thỏa thuận với DN việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng được DN mở riêng cho NLĐ. Tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả cả gốc và lãi cho NLĐ khi thanh lý hợp đồng. Chính phủ quy định mức trần, việc quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ của NLĐ phù hợp với từng thị trường, ngành nghề. Trường hợp NLĐ vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, tiền ký quỹ của NLĐ được DN dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của NLĐ gây ra; nếu còn thừa sẽ phải trả lại cho NLĐ, nếu không đủ thì NLĐ phải nộp bổ sung.

Cũng trong ngày 23-10, QH còn thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Rà soát quy định về tạm giữ người

Ngày 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, QH thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Về tạm giữ người theo thủ tục hành chính (sửa đổi, bổ sung điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính), có ý kiến đề nghị rà soát quy định về các trường hợp tạm giữ người để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - ông Hoàng Thanh Tùng - tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo luật đã bỏ quy định "tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính".

 

Theo Văn Duẩn/Báo Người lao động