Siết chặt quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Theo đề xuất mới của Bộ Công Thương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp tại thị trường Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác

Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp giảm đến 2/3. Trong đó, 1/3 số lượng DN bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do không hiệu quả. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều DN có nhu cầu đăng ký hoạt động mới.

Từ năm 2018 đến nay, có gần 20 DN nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Bộ Công Thương. Trong đó, hơn 2/3 là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Việc các DN có vốn đầu tu nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam là tín hiệu tốt về mặt thu hút đầu tư, tạo nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp thì cần có những đánh giá cẩn trọng khi xem xét nhu cầu gia nhập thị trường của DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh đã xuất hiện hàng trăm năm và được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều tranh cãi về bản chất của loại hình kinh doanh này bởi có nhiều vụ việc lừa đảo xảy ra trên cơ sở lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, thậm chí xảy ra ở nước Châu Âu. Do vậy, nhiều quốc gia thực hiện cơ chế sàng lọc DN nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung điều kiện nhằm quản lý chặt hơn từ khâu tiền kiểm nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của DN đa cấp mới gia nhập thị trường, đảm bảo đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Giải pháp thực hiện cụ thể là bổ sung điều kiện DN có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác. Điều kiện này chỉ áp dụng đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, giải pháp này giúp sàng lọc DN tham gia thị trường bán hàng đa cấp, một trong những ngành nghề dễ bị lợi dụng lừa đảo ở Việt Nam. Việc yêu cầu DN có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận có cơ sở đánh giá tín nhiệm của DN, mặt khác cũng chọn lọc được các DN có kinh nghiệm quản lý nội bộ vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hành trăm nghìn người tham gia.

Trước đó, liên quan tới vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thời gian qua, môi trường mạng đã giúp cơ quan quản lý thực hiện quản lý hiệu quả hơn đối với hoạt động bán hàng đa cấp của DN có đăng ký hợp pháp. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ mới đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép, gây nhiều dư luận không tốt trong xã hội.

Đặc biệt, các chủ thể vi phạm thường nhắm vào các đối tượng thiếu hiểu biết về công nghệ, hoặc những người trẻ mong muốn khởi nghiệp và làm giàu nhanh chóng. Để đấu tranh nhằm từng bước đẩy lùi hình thức vi phạm này, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp truyền thông, cảnh báo về các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng… nhằm đưa thông tin sâu rộng đến người dân.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động bán hàng đa cấp và cách thức nhận diện hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng. Các tin cảnh báo cũng được đăng liên tục trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, đồng thời Bộ cũng theo dõi, thu thập và chuyển thông tin, tài liệu liên quan đến gần 30 đơn vị có dấu hiệu hoạt động biến tướng cho các cơ quan công an theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, việc đấu tranh chống lại hình thức vi phạm này gặp nhiều khó khăn khi các đối tượng hoạt động không phép nên không được quản lý theo các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay. Khi có thông tin, Bộ Công Thương phải chuyển cho cơ quan công an để theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự.

Bên cạnh đó, các đối tượng này có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số… Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này rất khó khăn.

Đáng chú ý, người dân tham gia vào hoạt động của các đơn vị trái phép này thường không thông tin cho cơ quan quản lý ngay từ ban đầu mà chỉ khi hệ thống sụp đổ, thiệt hại về tài sản thì mới trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, một số người biết là hoạt động trái phép nhưng vẫn cố tình tham gia và dụ dỗ người khác tham gia để trục lợi cá nhân.

Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các hoạt động quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua đối với các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương sẽ chú trọng tăng cường phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh trước các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, trá hình…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2019 đến nay, có 12 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động, bao gồm: 05 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do không đáp ứng điều kiện mới của Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 1 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do vi phạm điều cấm của Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 2 doanh nghiệp không được gia hạn giấy chứng nhận do không duy trì các điều kiện theo quy định Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 2 doanh nghiệp hết hạn giấy chứng nhận và không làm thủ tục gia hạn; và 02 doanh nghiệp tự nguyện chấm dứt hoạt động.

Tính đến hết tháng 8/ 2020, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chỉ còn 21 doanh nghiệp, giảm 30% so cuối năm 2018. Theo số liệu báo cáo của 24 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.105.003 người, giảm 159.401 người (khoảng 12%) so với cuối năm 2018.

Trong đó, số lượng người có phát sinh doanh thu, hoa hồng chiếm khoảng 50%. Mặc dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Theo Bảo Linh/Vietq.vn