Categories Doanh nghiệp

Sếp Masan Consumer xuống VinMart+ bán hàng, kết quả bất ngờ từ tăng doanh số đến việc sốc lại tinh thần nhân viên

Thay vì lo sợ, báo ốm không đi làm, tất cả nhân viên đã đến cửa hàng làm việc đầy đủ sau khi Tổng giám đốc của Masan Consumer đích thân xuống cửa hàng VinMart+ bán hàng cùng nhân viên.

âu chuyện này được chia sẻ bởi Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3 vừa qua.

Ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu bài phát biểu bằng một hình tượng so sánh: “Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chúng ta giống như một đội bóng đang thi đấu một trận quan trọng. Trong đó Thủ tướng là huấn luyện viên trưởng, các Bộ trưởng là đội trưởng, còn còn tất cả chúng ta là các cầu thủ. Bắt đầu thi đấu thì trời đổ mưa to. Chúng ta hãy cùng nhau hình dung tình huống này sẽ diễn ra như thế nào?”

Ông Quang cho rằng, có một thực tế, nỗi sợ thường làm tê liệt mọi giác quan của con người, tê liệt các tổ chức, tê liệt nền kinh tế nhiều hơn đến hàng trăm, hàng nghìn lần so với thiệt hại thực tế. Và trong dịch Covid-19, chúng ta đang phải đối diện với một nỗi sợ rất lớn.

“Cũng giống như ta đá bóng, rất muốn thắng nhưng gặp trở ngại là trời mưa to. Khi đó, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến trời mưa, chúng ta thua. Nếu chúng ta sợ thua rút hết về phòng vệ để không thủng lưới, chúng ta không thắng. Vì vậy, muốn chiến thắng được trận bóng này, chúng ta phải tính toán, vừa phòng thủ thật chặt, hàng công cũng sẵn sàng. Chúng ta phải nghĩ đến thiệt mình thiệt người, cân nhắc lợi mình, lợi người”, ông Quang nói.

Chủ tịch Masan cho biết, ông luôn suy nghĩ “trong nguy có cơ”, đồng thời chỉ ra các ưu tiên.

Cụ thể, ưu tiên số một là ổn định tâm lý, ổn định xã hội, ổn định an sinh xã hội. Ông Quang lấy một ví dụ, ông Trương Công Thắng là TGĐ của VinCommerce, TGĐ của Masan Consumer, ngày hôm qua (11/3), khi mọi người đều lo sợ dịch bệnh, ông Thắng đã xuống cửa hàng VinMart+ và bán hàng cùng nhân viên. Kết quả là, cửa hàng hôm đó doanh số tăng hơn và tinh thần của nhân viên cũng phấn chấn hơn.

“Tiếp nữa, thay vì nhân viên vì lo sợ, báo ốm ở nhà không đi làm thì tất cả nhân viên đã đến cửa hàng làm việc đầy đủ. Việc này, trên góc nhìn của một đội bóng, đầu tiên chúng ta nghĩ đến thủ chắc nhưng vẫn phải có hàng công để sẵn sàng các tình huống”, ông Quang nói.

Về an sinh xã hội, ông Quang cho biết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã có chỉ đạo rất sát sao về việc phải có đủ gạo, có đủ thịt cho nhân dân. Đến hôm nay, tại hệ thống hơn 3.200 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ ngoài thịt heo của Masan, Masan đã nhanh chóng ký xong hợp đồng với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc để đảm bảo cung cấp đủ gạo, bình ổn giá tại tất cả các điểm bán trên 63 tỉnh thành. Giải pháp này ngay lập tức tạo ra sự ổn định đối với hai mặt hàng quan trọng là gạo và thịt, giúp người dân an tâm hơn.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang

Masan cũng đang làm việc với các doanh nghiệp chủ chốt của Việt Nam để đảm bảo các sản phẩm thiết yếu khác như mỳ, rau, trứng, sữa… luôn đầy đủ, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý để người tiêu dùng đến VinMart, VinMart+ lúc nào cũng có. Các nhà máy của Masan đang hoạt động tối đa công suất để đảm bảo đủ hàng cho chuỗi cung ứng này.

Chủ tịch Masan cũng cho biết, thực tế, truyền thống mua sắm của người Việt Nam vẫn là thích đến tận siêu thị hay cửa hàng, nhìn thấy người bán hàng, chạm vào hàng hóa để yên tâm hơn. Nhưng ngày hôm nay, người ta sợ đến nơi đông người, đấy chính là cơ hội cho bán hàng online.

Hệ thống VinCommerce đã đẩy mạnh chương trình bán các gói hàng nhu yếu phẩm theo hai cách, người tiêu dùng có thể đến cửa hàng, hoặc ngồi ngay tại nhà, chúng tôi sẽ giao đến. Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn.

“Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai, và tôi tin rằng khủng hoảng do Covid-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Các doanh nghiệp về công nghệ nên đi đầu để nhanh chóng đón bắt vấn đề này”, ông Quang đưa ra dự báo.

Khủng hoảng đòi hỏi kích hoạt sự thay đổi để mạnh mẽ hơn

Ông Quang cũng nhấn mạnh về vấn đề cần ưu tiên trong thời điểm hiện tại là tích lũy và tăng cường sức dân, sức nước. Khi có khó khăn thì nguồn lực phải được tích lũy. Giai đoạn ngưng trệ kinh tế vừa qua đồng nghĩa với nhiều nguồn lực cũng bị ngưng đọng theo. Và dễ dàng để nhìn thấy, vai trò của xuất khẩu vô cùng quan trọng.

“Nếu tháng trước không xuất khẩu được thanh long, tôm hùm thì cả nước có giải cứu bao nhiêu đi nữa cũng không giải quyết được vấn đề. Nhưng khi chúng ta giải quyết được vấn đề xuất khẩu, thì tất cả nông dân có tiền tức là họ khỏe hơn, doanh nghiệp có tiền cũng khỏe hơn, người làm có công việc cũng khỏe hơn”, ông Quang nói.

Việt Nam có lợi thế rất lớn về xuất khẩu, làm thế nào để phát huy thì rất cần chủ trương của Thủ tướng, để tăng cường xuất khẩu, thu hút nguồn lực quốc tế về Việt Nam, về doanh nghiệp, đến Chính phủ, về đến người dân.

Tăng cường xuất khẩu từ nông sản, máy móc thiết bị … đi các nước tối đa để thu hút nguồn lực quốc tế về Việt Nam, về doanh nghiệp, về Chính phủ.  Vì khủng hoảng mới chỉ bắt đầu với kinh tế toàn cầu. Trong khi, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị sập và thiếu hụt ở rất nhiều nơi do hơn 2 tháng nay Trung Quốc bị đình trệ và sẽ gây sự thiếu hụt ở rất nhiều nơi. Đây chính là là cơ hội nếu chúng ta làm được, nắm bắt được.

Có được nguồn lực xuất khẩu bây giờ là nền tảng xây dựng nội lực trong nước. Nông sản đang bị tồn ứ trên đồng ruộng, trong kho được xuất khẩu để thu hồi vốn về cho bà con nông dân, cho doanh nghiệp, ngoại tệ thu về Ngân sách.

Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ để định hướng và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời.

“Đây cũng là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường khi chuỗi cung ứng đặt ở Trung Quốc bắt đầu có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Chúng ta cần mở rộng để chuyển dịch, tăng cường, phát triển, đi ra cạnh tranh công bằng với thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông Quang nói và lấy ví dụ, Trung Quốc hiện chiếm 85% trữ lượng Vonfram, trong 2 tháng dịch bệnh bị phong tỏa, thị trường đứng im thì là cơ hội của  Masan để đưa Vonfram đi ra với toàn cầu. Masan sẽ không chỉ bán Vonfram mà còn đầu tư mua lại các doanh nghiệp chế biến sâu mang tính toàn cầu khác.

“Khủng hoảng đòi hỏi kích hoạt sự thay đổi để mạnh mẽ hơn. Mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, quyết liệt hơn. Chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội để thành công. Khi đối thủ đang lo che mưa để khỏi ướt thì chúng ta tập trung vào trận đấu, thủ thật chắc và tìm các cơ hội để thành công”, ông Quang nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam cần kết hợp với nhau

Từ những thực tế vừa nêu, Chủ tịch Masan đưa ra kiến nghị như, hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa tạo ra chuỗi cung ứng thu nguồn lực từ thế giới, tập trung vào Việt Nam, sẵn sàng cho các bước kế tiếp. Chỉ khi bán được gạo, chúng ta mới chuẩn bị được cho mùa vụ mới. Nếu không bán được thì không có nguồn lực.

Ngoài ra, liên quan đến Nghị định 20 quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, theo ông Quang đây là nội dung cụ thể, đúng với tinh thần, Thủ tướng đã ban hành Tuy nhiên có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp cụ thể với từng doanh nghiệp hơn.

Cuối cùng, ông Quang cho rằng các doanh nghiệp của Việt Nam kết hợp với nhau, cùng với sự định hướng tập trung theo nhóm ngành lớn tạo thành chuỗi liên kết để đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, ổn định xã hội. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ lớn lên mạnh mẽ trong bối cảnh này do mình đi trước, đã có kinh nghiệm.

Theo BẢO VY/BizLIVE