Sẽ có quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Dự thảo Thông tư quy định các nội dung giám định về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đối với các hoạt động về tiền tệ và ngân hàng, gồm: huy động vốn; cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác; ngoại hối; kinh doanh vàng; thanh toán; bảo hiểm tiền gửi; quản lý tiền tệ và kho quỹ…

se co quy dinh moi ve giam dinh tu phap trong linh vuc tien te va ngan hang
Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để thay thế Thông tư số 44/2014/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo Ban soạn thảo, về cơ bản, dự thảo Thông tư kế thừa quy định về đối tượng áp dụng tại Thông tư số 44/2014/TT-NHNN và bổ sung thêm đối tượng là đơn vị thuộc NHNN để bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định về trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN tại dự thảo Thông tư.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc trưng cầu, yêu cầu giám định đúng chức năng, nhiệm vụ của NHNN và có cơ sở từ chối đối với các nội dung giám định không thuộc phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể về nội dung giám định gồm:

Giám định về tiêu chuẩn đối với tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành (không thực hiện giám định về tiêu chuẩn ngoại tệ và vàng).

Giám định về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đối với các hoạt động về tiền tệ và ngân hàng, gồm: huy động vốn; cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác; ngoại hối; kinh doanh vàng; thanh toán; bảo hiểm tiền gửi; quản lý tiền tệ và kho quỹ; mua, bán và xử lý nợ và việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

So với Thông tư số 44/2014/TT-NHNN, dự thảo Thông tư đã quy định theo hướng mở rộng hơn lĩnh vực giám định để bảo đảm đáp ứng yêu cầu tội phạm trong điều kiện hiện hành; đồng thời rà soát, thu hẹp nội dung giám định theo hướng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NHNN (giám định chất lượng vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện).

Về miễn nhiệm giám định viên tư pháp (Điều 6), dự thảo Thông tư kế thừa quy định tại Thông tư số 44/2014/TT-NHNN và sửa đổi về thời hạn miễn nhiệm và bổ sung quy định về thu hồi thẻ giám định viên tư pháp phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về quy trình giám định trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, từ khi tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định đến khi kết thúc giám định đối với vụ việc.

Cụ thể, về việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định: Dự thảo Thông tư đã quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định cá nhân và trưng cầu giám định tổ chức; quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận và phân công thực hiện trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp.

Căn cứ quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, dự thảo Thông tư cũng quy định về việc tiếp nhận trưng cầu giám định trong trường hợp nội dung giám định liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức.

Đối với giao nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định tư pháp, dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể về các trường hợp giao nhận hồ sơ, tài liệu theo các trường hợp trưng cầu giám định cá nhân hoặc trưng cầu giám định tổ chức.

Việc thực hiện giám định được quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành giám định tư pháp; việc thay đổi người giám định trong quá trình thực hiện giám định (phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự).

Dự thảo Thông tư quy định cụ thể về trường hợp phải thành lập Hội đồng giám định và trách nhiệm trong việc thực hiện giám định theo cơ chế Hội đồng giám định…

Xem nội dung dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng tại đây.

Theo CK/Thời báo Ngân hàng