Nguyên tắc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và các tổ chức cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và thuận tiện cho sử dụng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đang Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai để phù hợp với yêu cầu của Luật Đất đai, Luật Giao dịch điện tử và các quy định có liên quan.
Theo Bộ TN&MT, Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai gồm 3 Chương, 22 Điều. Bên cạnh những quy định chung, Dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về: Giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; thời gian thực hiện, ứng phó sự cố…
Nguyên tắc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và các tổ chức cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và thuận tiện cho sử dụng.
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn phương thức giao dịch với cơ quan Nhà nước nếu cơ quan Nhà nước đó đồng thời chấp nhận giao dịch theo phương thức truyền thống và phương thức giao dịch điện tử, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Về phương thức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai tại địa phương được thực hiện giao dịch tương ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3 và 4. Theo đó, cơ quan tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai công khai thông tin, cung cấp mẫu hồ sơ về thủ tục hành chính và các văn bản liên quan trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp huyện.
Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có nhu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận; thực hiện thủ tục đăng ký, xóa thế chấp, bảo lãnh, xóa đăng ký bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, người sử dụng đất phải nộp bản gốc Giấy chứng nhận tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Theo Tấn Lợi/Người tiêu dùng