Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 dự kiến thu hút được sự quan tâm và tham dự của hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Trao đổi với báo chí trước sự kiện, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, phiên Diễn đàn cấp cao (phiên toàn thể) được chủ trì bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào ngày 6/12.
Trong tháng 11, sẽ có chuỗi 10 phiên hội thảo chuyên đề về các chủ đề liên quan như: Sản xuất thông minh, đô thị thông minh, năng lượng xanh, ngân hàng thông minh, hạ tầng và Chính phủ số, nông nghiệp thông minh, nhân lực và giáo dục đào tạo gắn với chuyển đổi số…
Trong đó, phiên hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về bối cảnh và các xu thế lớn của công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên thế giới và trong khu vực, từ đó nhận diện và đưa ra những tư duy và tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; học tập công nghệ, chính sách công nghiệp trên thế giới, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cũng như các kinh nghiệm quốc tế về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo định hình sự phục hồi hậu COVID-19…
Phiên thảo chuyên đề số 2 với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào việc đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh…
Bên cạnh đó có các hội thảo chuyên đề đáng chú ý khác như: Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045…
Sau các hội thảo, những nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được tập hợp và báo cáo với Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tại phiên toàn thể; đồng thời sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, diễn đàn này gắn với triển khai xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII”. Do đó, Diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, sự kiện cũng là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới của đất nước giai đoạn hậu COVID-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Huy Thắng/baochinhphu.vn