Categories Doanh nghiệp

Sabeco, Giày Thượng Đình thoái hết vốn Nhà nước

Theo kế hoạch, Sabeco sẽ được chuyển giao về SCIC trước 31/8 để thực hiện thoái hết vốn Nhà nước. Trong khi đó, Giày Thượng Đình do UBND TP Hà Nội thực hiện thoái vốn đến hết 2020.

Theo quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký thay Thủ tướng mới đây, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là 1 trong 14 doanh nghiệp được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn.

Việc chuyển giao Sabeco về SCIC được yêu cầu phải hoàn tất trước ngày 31/8. Sau đó, Sabeco sẽ thoái 36% vốn/vốn điều lệ, tỷ lệ vốn Nhà nước còn lại sau khi thoái vốn là 0%/vốn điều lệ.

Trước đó, ThaiBev đã chi 5 tỷ USD thông qua pháp nhân Vietnam Beverage để mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco trong đợt thoái vốn Nhà nước cuối năm 2017 và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam. Sau khi thoái vốn, Bộ Công Thương hiện quản lý 36% cổ phần Sabeco.

Sabeco Giay Thuong Dinh thoai het von Nha nuoc anh 1
Sabeco sẽ được chuyển giao về SCIC trước 31/8 để thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước. Ảnh: Reuters

Một cái tên quen thuộc khác phải thoái toàn bộ 68,67% vốn Nhà nước/vốn điều lệ là Công ty cổ phần Giày Thượng Đình. Cơ quan đại diện chủ sở hữu của hãng giày “vang bóng một thời” là UBND TP Hà Nội sẽ thực hiện thoái vốn theo lộ trình đến hết năm 2020.

Ngoài Sabeco và Giày Thượng Đình, còn có 108 doanh nghiệp Nhà nước khác phải thoái hết vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, có 28 doanh nghiệp chỉ thoái vốn một phần.

Ngày 30/6, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Tổng giám đốc Sabeco ông Neo Bennett thừa nhận 6 tháng đã qua là thời điểm vô cùng khó khăn. Ngoài tác động của Covid-19 và Nghị định 100, CEO Sabeco cho biết những tin đồn thất thiệt hướng vào Sabeco cũng làm doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 2020 đạt 23.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.252 tỷ. So với năm 2019, hai chỉ tiêu này giảm tương ứng 37% và 39%.

Trong khi đó, lãnh đạo Giày Thượng Đình cho biết 2019 là giai đoạn hãng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là khi có thông tin nhà máy phải di dời khỏi địa chỉ 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), dẫn đến việc giảm lượng khách hàng xuất khẩu, đồng thời công nhân nghỉ việc rất nhiều.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2019 của Giày Thượng Đình cho thấy năm 2019, hãng giày này ghi nhận 166 tỷ doanh thu, giảm 4% so với năm trước và hoàn thành 95% so với kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về tiếp tục báo số âm 13 tỷ đồng. Tính bình quân trong năm vừa qua, mỗi ngày hãng giày này thu về hơn 450 triệu đồng tiền bán hàng nhưng lại lỗ hơn 36 triệu/ngày.

Theo Tuấn Hùng/Zingnews.vn