- Nhiều ngày liên tiếp trụ vững trên ngưỡng 900 điểm, VN-Index đã tiếp tục bứt phá lên ngưỡng 940 điểm, nhưng đồng thời cũng phát ra những tín hiệu rủi ro nhất định.
Sự phân hóa diễn ra ngày một rõ ràng và được biểu hiện trong những đợt rung lắc rất dữ dội trong từng phiên sẽ là thách thức mà nhà đầu tư phải đối đầu trong những phiên sắp tới. Mặc dù tính đến phiên ngày 14/10, VN-Index đã có 4 phiên tăng liên tiếp và chạm 940 điểm, nhưng lại có những phiên có số mã chứng khoán giảm trong phiên trội hơn số mã tăng. Và điều có thể thấy trước là hiện tượng này sẽ còn lặp lại với tần suất dày đặc trong những ngày sắp tới.
Đóng góp đáng kể để VN-Index tăng gần 10 điểm trong phiên ngày 14/10 là từ diễn biến tích cực của 3 trụ cột gồm MSN, TCB và SAB. TCB đã tăng kịch trần lên 22.850 đồng/CP, MSN cũng có diễn biến tương tự khi tăng lên 80.000 đồng, SAB tăng 6.000 đồng lên 190.000 đồng/CP. Điều này có nghĩa là thị trường hiện nay sẽ phụ thuộc khá nhiều vào các trụ cột. Theo đó, sẽ có một nhóm khoảng 3 cổ phiếu trụ cột đóng góp cho sự tích cực của VN-Index như kiểu MSN, TCB, SAB; trong khi đó, những cổ phiếu khác sẽ tự thân vận động tùy thuộc vào biến động cơ bản liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đáng lưu ý là khi VN-Index tăng, chưa chắc nhóm ngoài trụ đã tăng, nhưng chỉ cần VN-Index giảm thì dù cổ phiếu chưa tăng vẫn có thể giảm theo thị trường.
Có một thực tế là diễn biến của thị trường những phiên gần đây, từ tổng thể đến chi tiết đều có thể khiến nhà đầu tư… chóng mặt! Điển hình như phiên ngày 13/10, VN-Index giảm điểm đầu phiên nhưng cũng chỉ mất khoảng 20 phút để tâm lý các nhà đầu tư được trấn tĩnh và lực mua tăng trở lại. Một cổ phiếu trong phiên hiện nay có thể trải qua từ 2-3 lần tăng giảm với biến động từ khoảng +/- 3%. Điều này là rủi ro cho những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu nhưng e ngại biến động có thể bán ra và bị mất hàng.
Nhưng mặt khác, biến động kiểu này lại tạo thuận lợi để những ai khéo léo có thể tìm kiếm lợi nhuận ngay trong phiên mà không cần giá cổ phiếu tăng. Theo đó, với lượng cổ phiếu sẵn có, nhà đầu tư chỉ cần canh mua thêm lúc giảm và bán ra khi tăng là đã có thể thu thêm lợi nhuận trong ngày từ 5% trong khi chờ đợi một đợt tăng dài hơn. Và nhìn rộng hơn thì diễn biến của VN-Index có thể chưa cần tăng quá mạnh nhưng nếu có biến thiên với biên độ lớn, nhà đầu tư vẫn sẽ kiếm được lợi nhuận nếu giao dịch phái sinh một cách khéo léo. Sự xoay vòng liên tục của dòng tiền qua các nhóm cổ phiếu thoạt nhìn có vẻ bất lợi, điều này đã được thể hiện rõ qua sóng của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua là khá ngắn, sau đó sóng cổ phiếu các công ty chứng khoán cũng được nói đến nhưng cũng chỉ khoảng 3 phiên. Như vậy rất khó để mua đuổi có lãi, còn mua từ chân sóng lại là điều không dễ dàng.
Nhưng thuận lợi lại nằm ở việc dòng tiền luân chuyển nhanh thì cũng quay lại khá nhanh nhờ vào việc bám khá sát các thông tin cơ bản mà trong giai đoạn này là kết quả kinh doanh. Như vậy, những nhóm cổ phiếu hút dòng tiền thay vì đi một đợt sóng dài có thể lặp lại nhiều lần các đợt sóng ngắn, và cũng sẽ chọn lọc từng cổ phiếu thay vì tăng toàn diện. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiến đến vùng 930 điểm trong vài phiên tới nhưng mức độ rung lắc sẽ rất dữ dội và nhà đầu tư cần tính đến việc lựa chọn những cổ phiếu có khả năng phòng thủ tốt trong biến động nhờ kết quả kinh doanh tích cực hơn là đua theo cổ phiếu nóng tại thời điểm này.
Có 2 chiến thuật được sử dụng khá hữu ích trong thời điểm hiện nay: Thứ nhất, lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt với kết quả kinh doanh được dự báo khả quan như nhóm công nghệ, thủy sản, nhóm các doanh nghiệp đầu ngành… và canh mua giá thấp trong phiên. Thứ hai, lựa chọn được những cổ phiếu có vốn hóa lớn, đóng vai trò trụ đẩy như kiểu SAB, MSN, TCB. Nhưng với nhóm này, cần mua từ đầu sóng và chấp nhận rủi ro, hoặc lãi. Nếu mua trật sóng hoặc giữ quá lâu, nhà đầu tư có thể không kịp có lãi vào T+3 hoặc chuyển trạng thái từ lãi sang lỗ. Đã có một số người e ngại về mức giá cao của cổ phiếu nên hoạt động bán ra có thể gay gắt hơn khi có những tín hiệu đảo chiều.
Theo Phan Long/Thời báo Ngân hàng