Quảng Nam đón khách du lịch nội địa từ tháng cuối tháng 10

Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch mở cửa đón khách trong thời gian tới. Theo đó, từ cuối tháng 10 này, tỉnh sẽ đón khách tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam là người địa phương, sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và khách du lịch từ các tỉnh, thành phố gần kề.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh gặp gỡ, trò chuyện với du khách tại Phố cổ Hội An vào tháng 2/2020
Tại hội nghị trực truyền bàn giải pháp về việc mở cửa đón khách du lịch đến Quảng Nam, tổ chức ngày 21/10, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 2 năm qua, ngành du lịch của tỉnh đã chịu tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19. Các hoạt động kinh doanh du lịch gần như tạm dừng toàn bộ. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính của các DN đã cạn kiệt, khó khăn trong việc trang trải các chi phí như giữ người lao động, duy tu bảo dưỡng, trả các khoản nợ và phí lệ phí…

Hiện nay, trên 90% DN du lịch tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 DN hoạt động cầm chừng. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm. Trong 9 tháng năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại tỉnh đạt 326.300 lượt khách, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 94,5% so với cùng kỳ năm 2019. Thiệt hại về du lịch trong 9 tháng qua ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, để có thể khôi phục trở lại hoạt động kinh doanh du lịch trong bối cảnh bình thường mới và mở cửa đón khách du lịch một cách an toàn, bền vững, ngành du lịch cùng với tất cả các ngành, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, phương án, kế hoạch để đón bắt cơ hội phục hồi ngay khi có điều kiện.

Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch mở cửa đón khách theo 4 giai đoạn từ cuối tháng 10 đến năm 2022. Cụ thể, từ cuối tháng 10 này, tỉnh sẽ đón khách tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam là người địa phương, sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và khách du lịch từ các tỉnh, thành phố gần kề.

Từ tháng 12 sẽ thí điểm đón khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước theo mô hình “bong bóng du lịch” – khách đi tour khép kín qua công ty lữ hành gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn.

Từ tháng 1/2022, tỉnh đón khách du lịch đi theo tour trọn gói, khép kín của các công ty lữ hành tổ chức, hoặc khách đi lẻ tự chọn dịch vụ gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch. Triển khai chương trình tour/combo, hoạt động tham quan, du lịch, vui chơi giải trí dành cho khách các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sau khi đón khách nội địa thành công, địa phương sẽ thực hiện đón khách quốc tế khi được Chính phủ cho phép.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành VHTT&DL tập trung triển khai nhóm nhiệm vụ và giải pháp phục hồi, phát triển du lịch thời gian đến. Cụ thể, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 lĩnh vực du lịch theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, cơ sở kinh doanh du lịch; nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới; triển khai chương trình, gói kích cầu du lịch, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch…

Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ thống nhất cho phép tỉnh mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Du khách tham quan phố cổ Hội An (ảnh chụp vào tháng 2/2020)

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao tỉnh Quảng Nam đã chủ động đưa ra những giải pháp và đề xuất mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cục Du lịch cũng đang báo cáo Bộ VHTT&DL về giải pháp áp dụng “hộ chiếu vaccine” để thí điểm mở cửa lại thị trường quốc tế. Tuy nhiên để phục hồi du lịch trong bối cảnh này, cần có sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hiệp hội, DN để có những bước chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Quảng Nam tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Tăng cường liên kết với các địa phương, phát huy hiệu quả liên kết Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam. Có biện pháp hỗ trợ các DN, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn giữa các điểm đến, các DN du lịch và các hãng hàng không để hình thành các sản phẩm mới, chương trình kích cầu phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển hoạt động kinh tế đêm.

Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Nghiên cứu khả năng xây dựng “sàn giao dịch du lịch trực tuyến”, chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi phát triển du lịch.

Theo Thế Phong/baochinhphu.vn

Print Friendly, PDF & Email