Quá rủi ro với cho vay qua sàn

Chủ sàn không chịu trách nhiệm khi người vay không trả được nợ hoặc sàn bị sập có thể khiến người cho vay mất sạch tiền

Sự bùng phát trở lại của loại hình cho vay online qua app (ứng dụng) dựa trên nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P Lending) không chỉ thu hút nhiều người vay mà cả những người có tiền nhàn rỗi đầu tư vào đây cho vay để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, ít người biết rằng hình thức đầu tư này ẩn chứa nhiều rủi ro.

Lợi nhuận gấp 3 lần lãi suất ngân hàng

Trong vai là người có tiền sẵn sàng cho vay, phóng viên tìm đến điểm giao dịch của Công ty CP Tima (chủ app Tima Lender) số 499 Lê Quang Định, quận Gò Vấp, TP HCM tìm hiểu về cho vay qua sàn. Nhân viên công ty này cho biết trước hết, người muốn cho vay phải tải app Tima Lender (tạm gọi là sàn Tima Lender) về điện thoại, đăng ký tài khoản trên app, ký văn bản hợp tác đầu tư với chủ sàn Tima Lender rồi nộp tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng A. (đối tác của sàn Tima Lender).

Tiếp đến, sàn Tima Lender cung cấp danh sách và thông tin của người vay (đơn vay của cá nhân) để người cho vay chọn lựa số tiền, thời hạn vay… rồi giải ngân hoặc ủy quyền cho chủ sàn giải ngân. Sau đó, sàn sẽ trích tiền từ tài khoản của người cho vay chuyển đến tài khoản của người vay. Hằng tháng, sàn Tima Lender thống kê số tiền mà người cho vay đã giải ngân, thông báo tiền gốc và lãi đã được thu hồi và phí dịch vụ.

Việc bỏ tiền vào các ứng dụng cho vay trực tuyến có thể khiến người cho vay gặp nhiều rủi ro Ảnh: HOÀNG TRIỀU – Đồ họa: NHƯ MINH

“Vậy nếu tôi nạp vào tài khoản 50 triệu đồng và đã cho vay 10 triệu đồng thì ai sẽ là người thu hồi nợ, số tiền còn lại trong tài khoản có được rút ra không?” – phóng viên hỏi và được nhân viên sàn Tima Lender giải thích: “Bên cho vay được hưởng lãi suất 18%/năm (1,5%/tháng), được linh hoạt rút số tiền còn lại trong tài khoản. Thông qua kết nối của chủ sàn, người cho vay và người vay nhận nội dung hợp đồng vay vốn được thể hiện trên app Tima Lender. Đến ngày người vay trả nợ, chủ sàn thu vốn và lãi rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng của người cho vay. Trường hợp người vay trả nợ không đúng hạn, chủ sàn có trách nhiệm hối thúc họ thanh toán. Đặc biệt, nếu người vay không trả được nợ, sẽ có một đối tác của chủ sàn là công ty bảo hiểm của ngân hàng B. đứng ra trả thay. Trong 90 ngày kể từ ngày người vay không trả được nợ, người cho vay vẫn được hưởng lãi suất 8%/năm”.

Hoạt động tương tự như sàn Tima Lender, sàn Lendbiz.vn cũng đang thu hút được khá nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư cho vay với kỳ vọng được hưởng mức lợi nhuận 15%-20%/năm như cam kết của sàn. Theo đó, sàn Lendbiz.vn cũng cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin của người cần vay tiền, đưa ra cách thức, điều kiện giao dịch, mở tài khoản tại một ngân hàng liên kết… Điểm khác biệt là đối tượng vay tiền của sàn này là các doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ kinh doanh. Người cho vay có thể mở tài khoản để cho vay ban đầu với số tiền 2 triệu đồng, lợi nhuận 15%-20%/năm, đồng thời được hưởng thêm 0,3% khi giới thiệu người khác tham gia cho vay. Tuy nhiên, người cho vay phải đóng phí dịch vụ 3%/lợi nhuận, thuế thu nhập 5%/lợi nhuận, đây là mức khá cao so với những sàn khác.

Khi đăng nhập vào sàn Lendbiz.vn, phóng viên thử chọn một hộ kinh doanh đang cần vay 15 triệu đồng, thời hạn vay 10 tháng, lãi suất 19%/10 tháng. Theo tính toán của hệ thống, nếu cho hộ này vay thì sau 10 tháng, phóng viên sẽ thu lãi 1,9 triệu đồng, trừ thuế thu nhập 95.000 đồng (5%) và phí dịch vụ 57.000 đồng (3%), lợi nhuận còn lại hơn 1,7 triệu đồng, tương đương với lãi suất 20%/năm, cao gấp 3 lần so với tiền lãi có được từ gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Dễ mất cả chì lẫn chài

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các app, chủ sàn cho vay đều đưa ra mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng để thu hút nhà đầu tư bỏ tiền cho vay nhưng thực tế có thể hoàn toàn trái ngược. Anh Linh (một nhân viên văn phòng) từng bị thu hút bởi những lời mời chào từ một công ty P2P Lending đã quyết định gom tiền lên sàn cho vay. Trái với kỳ vọng, anh Linh không nhận được thông tin rõ ràng từ người vay, tất toán khoản vay không đúng hạn, chủ sàn hoàn vốn và lãi hết sức nhỏ giọt.

Một số người từng tham gia P2P Lending còn cho hay không ít chủ sàn thiếu năng lực thẩm định thông tin, khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn… của người vay; thiếu kinh nghiệm quản lý rủi ro, không sàng lọc được khách hàng tốt, khiến họ giải ngân không đúng đối tượng, dẫn tới với nguy cơ mất vốn. Thậm chí, nhiều sàn còn đưa ra hàng loạt quy định chủ sàn được miễn trừ trách nhiệm với các sự cố như giao dịch bị gián đoạn, hệ thống từ chối lệnh hoặc bị lỗi, thông tin của người vay lẫn người cho vay bị mất hoặc bị hủy, lỗi do người cho vay để lộ mật khẩu giao dịch, tin tặc đánh cắp dữ liệu hoặc người cho vay bị kẻ gian lừa đảo; đường truyền bị tắc nghẽn trên diện rộng do lỗi từ phía nhà cung cấp mạng… Với những quy định này, người cho vay đối mặt với quá nhiều rủi ro.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho vay qua sàn ẩn chứa rủi ro rất lớn. Như người cho vay có thể mất hết vốn hoặc một phần nếu người vay không trả được nợ vì những lý do khách quan hoặc cố tình vay để lừa đảo. Trong khi chủ sàn không có trách nhiệm hoàn trả tiền mà chỉ có nhiệm vụ thu hồi, đòi nợ thay cho người cho vay nhưng nếu chủ sàn không đòi được, người cho vay sẽ mất cả “chì lẫn chài”. “Dù trên thực tế, một số chủ sàn có hợp tác với các công ty bảo hiểm cho khoản vay hoặc tạo lập một quỹ đề phòng bất trắc nhưng không có gì bảo đảm người cho vay sẽ được hoàn trả tiền khi người vay không trả được nợ” – ông Thuận nói thêm.

Một rủi ro khác mà PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu, Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội, đặt ra là chủ sàn P2P Lending có thể mập mờ trong vai trò trung gian, hoạt động như một tổ chức huy động vốn rồi cho vay; thông đồng với người vay lập hồ sơ giả; mời gọi khách hàng bằng những thông tin thổi phồng; sử dụng tiền của người cho vay vào các mục đích khác; ngầm bắt tay với các kênh tín dụng chính thức để đầu tư vào cho vay ngang hàng nhằm hưởng chênh lệch… “Tất cả những khả năng này đều có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh hành lang pháp lý P2P Lending chưa rõ ràng, hiểu biết của người cho vay còn hạn chế” – ông Hiệu nêu quan điểm.

Chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp

Dưới góc độ pháp lý, luật sư - TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết hiện nay, Việt Nam chưa ban hành khung pháp lý đối với P2P Lending. Do đó, nếu trong thời gian tới, nhà nước cấm hoặc hạn chế hoạt động này, quyền lợi của người cho vay có thể bị ảnh hưởng vì chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chủ sàn với người cho vay và người vay.

 

Theo Thy Thơ/Người lao động