Nhập khẩu ngay thịt lợn nếu thiếu

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT đáp ứng nhu cầu nhân dân là không để thiếu thịt lợn, nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay.

Tại phiên họp cuối năm của Ban chỉ đạo điều hành giá diễn ra hôm nay (25/12), lựa chọn các kịch bản điều hành giá năm 2020, Ban chỉ đạo của Chính phủ đã thảo luận và dự báo sẽ điều hành lạm phát cho cả năm ở dưới 4%.

Đánh giá về công tác điều hành giá năm 2019, lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng Chính phủ và các địa phương đã điều hành lạm phát thành công, ở mức thấp 2,7- 2,8%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế (điều chỉnh một bước giá các dịch vụ công nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện theo thị trường).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong Quý I và Quý IV/2020.

Qua theo dõi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đây là mức tăng lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua khi năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%. Yếu tố lạm phát thấp còn tạo ra giá trị hơn cho mức tăng trưởng kinh tế trên 7% của năm nay.

Ngoài các yếu tố làm giảm áp lực tới lạm phát, lãnh đạo các bộ, ngành nhấn mạnh tới cơ chế điều hành, hoạt động của Ban chỉ đạo và sự phối hợp của các bộ, ngành tiếp tục được phát huy trong điều hoà cung cầu, minh bạch thông tin và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, triệt tiêu lạm phát kỳ vọng.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc kịp thời, khách quan của các cơ quan truyền thông, báo chí về cung cầu hàng hoá. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến mặc dù nguồn cung thịt lợn thiếu hụt làm giá thịt lợn tăng nhưng xét về tổng thể, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, tăng tới 760.000 tấn so với năm 2018, góp phần bù đắp sự thiếu hụt này…

Tại phiên họp, đại diễn lãnh đạo Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê đều đưa ra các kịch bản điều hành giá của riêng mình cho năm 2020, trong đó các cơ quan đều có 2 kịch bản dưới 4% và kịch bản cuối cùng xấu nhất là trên 4%.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh lạm phát năm 2019 thấp, nếu Bộ Y tế linh hoạt hơn trong đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì lạm phát sẽ nằm trong khoảng 3,3- 3,9%, theo đúng kịch bản mà Ban chỉ đạo điều hành giá đưa ra từ đầu năm 2019. Để tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2020 (tích hợp chi phí quản lý và tăng lương cơ sở).

Ngoài việc căn cứ vào điều chỉnh giá dịch vụ công theo thị trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng điều hành giá năm 2020 cần phải được xem xét dựa trên các khía cạnh xung đột thương mại và địa chính trị trên toàn cầu, việc điều hành linh hoạt tỷ giá và chính sách tiền tệ theo thị trường và phát huy cơ chế điều phối giữa các bộ, ngành, địa phương…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá công tác điều hành giá năm 2020 sẽ thách thức hơn năm 2019 nhưng Ban chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% – 3,91%.

Về bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng nhu cầu nhân dân là không để thiếu thịt lợn, nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong Quý I và Quý IV/2020; điều hoà cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm.

Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương trong năm 2020 hoàn thành sửa biểu gía điện hiện hành, điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường thế giới kết hợp với sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đất đai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đánh giá tác động của việc thay đổi khung giá đất theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ./.

Theo Văn Hiếu/VOV1