Chính sách quốc gia về xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội (NƠXH) là chủ trương đúng đắn, cấp thiết và đậm tính nhân văn. Tuy nhiên, thành quả và hiệu quả đạt đươc thời gian qua chưa cao, nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với nhiều công nhân, người lao động nhập cư.
Làm rõ nhu cầu thuê và sở hữu NƠXH
Để có chiến lược phát triển nhà ở nói chung, NƠXH nói riêng cần có sự tách biệt giữa nhu cầu thuê và nhu cầu sở hữu NƠXH. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa có thể tập trung nguồn lực đầu tư vừa tránh tình trạng đầu tư tràn lan, lãng phí.
Tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 do Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức mới đây, ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cho biết: Thời gian qua đã 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng, tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các khu công nghiệp – khu chế xuất của Thành phố. Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp, nhu cầu thuê NƠXH là hơn 51.000 người, trong khi nhu cầu mua là 29.000 người.
Theo ông Trần Đoàn Trung – Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM: Hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa nhu cầu và mong muốn về NƠXH. Khi được khảo sát, đa số người lao động đều mong muốn có nhà ở xã hội nhưng việc có sở hữu được hay không lại là chuyện khác.
“Hơn 70% người lao động tại TP.HCM là nhập cư, thời gian gắn bó với doanh nghiệp cụ thể, địa bàn cụ thể là không cao. Vì thế khi việc xác định nhu cầu về chỗ ở và nhu cầu về sở hữu nhà ở chưa được làm rõ thì sẽ khó giải quyết bền vững vấn đề”, ông Trần Đoàn Trung cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Hiện Thành phố có khoảng 60.000 nhà trọ với khoảng 500.000 phòng, đáp ứng cho hơn 1,4 triệu công nhân thuê. Qua khảo sát, phần lớn những người này không có nhu cầu sở hữu nhà ở bởi việc thường xuyên di chuyển và biến động công việc liên tục nên ưu tiên chọn ở trọ.
Trong khi chính sách hiện nay đang đi theo hướng xây dựng NƠXH, nhà lưu trú công nhân sau đó chuyển sở hữu luôn cho công nhân, người lao động. Do đó cần định hướng lại trong tương lai những người thu nhập thấp là để cho thuê chứ không phải đối tượng để bán NƠXH.
Vốn từ đâu?
Một bài toán nan giải hiện nay là vấn đề tìm nguồn vốn xây dựng NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, bên cạnh doanh nghiệp còn có những tổ chức chính trị xã hội như LĐLĐ TP.HCM có nguồn lực, kinh phí nhưng hiện nay không có quy định giao đất công để làm nhà lưu trú công nhân, thậm chí nếu xây lên cũng không giao cho họ quản lý vận hành được liên quan đến quản lý chuyên ngành. Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ thực hiện chuyên đề riêng này, báo cáo UBND TP.HCM xem xét, quyết định và có hướng giải quyết căn cơ.
Đồng quan điểm, đại diện LĐLĐ TP.HCM cho rằng, hiện cơ quan này có nguồn lực để tham gia vào chương trình NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân tuy nhiên cần phải có cơ chế cho phép tổ chức Công đoàn tham gia.
Để tiếp tục phát triển NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân, đại diện LĐLĐ TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố tạo điều kiện về quỹ đất để xây dựng thiết chế Công đoàn để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động nhất là khu kế cận các khu công nghiệp – khu chế xuất, khu công nghệ cao Thành phố để cho thuê dài hạn.
UBND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 30/NQ-UBND về Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 trong đó xác định, giai đoạn 2021 - 2025 Thành phố dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn NƠXH tương ứng khoảng 35.000 căn; giai đoạn 2026 - 2030 phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn NƠXH, tương đương 58.000 căn. Nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.770 tỷ đồng và khoảng 8.640 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030 nhằm xây dựng NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, cho thuê mua.
Không mua bán, chuyển quyền sở hữu đảm bảo nhu cầu chỗ ở và biến động việc làm tại Thành phố; tránh đầu cơ và phải có linh hoạt về diện tích sử dụng phù hợp với cá nhân hộ gia đình… Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi vay, thủ tục hành chính để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng NƠXH, các khu nhà lưu trú cho công nhân của doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của người công nhân. Khi quy hoạch, triển khai các khu công nghiệp – khu chế xuất, khu công nghệ cao mới cần quy định phải có phần diện tích đất để NƠXH, nhà lưu trú phục vụ người lao động làm việc.
Theo đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM: Cần có quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất phù hợp dành cho các chương trình NƠXH ở các quy mô khác nhau, tương tác với quy hoạch chung đô thị. Đồng thời cần chính sách đặc thù hỗ trợ, đảm bảo cho các khu NƠXH kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị thuận lợi, nhất là giao thông công cộng, thu hút đầu tư hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ có mức giá phù hợp.
“Những khu đô thị như vậy có lý do để tồn tại qua nhiều thế hệ trong đời sống đô thị. Nó đóng vai trò nâng đỡ bước đầu cho nhiều lớp công nhân, sinh viên, người lao động nhập cư, trí thức trẻ khởi nghiệp…Cùng với thời gian, hết lớp này đến lớp khác, sẽ thành đạt và chuyển giao cùng với nhịp sống đô thị. Khi đô thị văn minh, phát triển liên tục, những khu đô thị này cũng sẽ dần thay da đổi thịt theo hướng văn minh hơn”, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM nêu quan điểm.
Trong khi đó, dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, NƠXH dù có mức giá dưới 1 tỉ đồng vẫn ngoài tầm với đối với người thu nhập thấp. Mặc dù hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 70 – 80% giá trị căn hộ, nghĩa là một căn hộ giá 1 tỉ đồng thì người mua phải có ít nhất 200 triệu đồng. Nhưng số tiền này không hề nhỏ đối với công nhân lao động. Vì vậy về lâu dài nên cung ứng hình thức NƠXH theo hình thức cho thuê hơn là việc sở hữu.