Dù lợi nhuận sau thuế bán niên 2019 tại Công ty CP Đức Long Gia Lai (DLG) của ông Bùi Pháp gần chạm ngưỡng 50 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái song hoạt động của doanh nghiệp này đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khiến nhà đầu tư quan ngại. Tính đến 30/6, hầu hết các khoản nợ của của DLG đều đã quá hạn thanh toán và tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân cho doanh nghiệp này.
Nếu không phát sinh khoản doanh thu từ chuyển nhượng công ty có lẽ Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai (DLG) của ông Bùi Pháp đã sụt giảm mạnh, thậm chí phải “gánh lỗ” trong nửa đầu năm nay.
Lãi nhờ chuyển nhượng cổ phần
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2019 của DLG, DLG ghi nhận doanh thu thuần 1.460 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này nằm chủ yếu ở sự tăng trưởng về doanh thu bán linh kiện điện tử, và doanh thu sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp.
Nhờ doanh thu tài chính đột biến (chuyển nhượng công ty Đồng Phú Hưng) tăng mạnh từ mức 64 tỷ đồng lên gần 143 tỷ đã mang về cho DLG khoản lợi nhuận trước thuế 70,3 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2018.
Cần lưu ý là những năm qua, DLG thường xuyên lên kế hoạch kinh doanh lạc quan, nhưng kết quả thực hiện đều ở mức rất thấp. Chẳng hạn, năm 2018, DLG đặt mục tiêu đạt 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng thực hiện chỉ 10% kế hoạch.
Trước đó, năm 2017, kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 200 tỷ đồng, song mới hoàn thành được 44%. Năm 2016, DLG thực hiện được 43,5% kế hoạch lãi 220 tỷ đồng – là năm có kết quả tốt nhất của Công ty.
Tính tới thời điểm hiện tại, công ty thực hiện được 58% kế hoạch lợi nhuân 120 tỷ đồng năm 2019 với con số lãi ròng 49,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái DLG chỉ lãi vỏn vẹn 22 tỷ.
Trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của DLG có xu hướng đi xuống, trong khi ngược lại, quy mô tài sản, nguồn vốn lại tăng nhanh qua các đợt chào bán tăng vốn và tăng vay nợ. Đây là nguyên nhân khiến các chỉ số sinh lời của DLG suy giảm đáng kể, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất đều đã xuống dưới mức 1%.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính bán niên 2019 của DLG đến từ khoản mục chi phí khác với mức tăng gấn 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công ty ghi nhận khoản phí chậm nộp 13,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái không phát sinh khoản mục này). Cùng với đó, phạt chậm ký hợp đồng cũng lên tới gần 8 tỷ đồng.
Liên quan đến khoản mục này, được biết trong nửa đầu năm vừa qua, liên tiếp nhận các quyết định truy thu, cưỡng chế và xử phạt thuế từ Cục Thuế tỉnh Gia Lai và Cục Thuế TP. Đà Nẵng.
Nợ “ngập đầu” và dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục của DLG
Tổng tài sản của DLG tính đến cuối tháng 6/2019 đạt 8.752 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, trên 42% tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bằng các khoản phải thu, bao gồm 3.458 tỷ phải thu ngắn hạn và hơn 300 tỷ đồng phải thu dài hạn.
Doanh nghiệp có tới 1.654 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn và gần 294 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn. Đây là khoản cho vay với các tổ chức và cá nhân khác nhau được ghi nhận tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp tính tới thời điểm cuối tháng 6/2019.
Sẽ không có gì bất thương nếu như nguồn tài chính của DLG dồi dào. Thế nhưng trên thực tế, bản thân DLG còn đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đi vay.
Theo báo cáo đã soát xét, công ty có tổng nợ phải trả là 5.227 tỷ đồng (tương đương với 60% tổng tài sản). Trong đó tổng vay nợ tài chính là 3.695 tỷ đồng (các ngân hàng cho vay lớn BIDV, VietinBank…cùng gần 500 tỷ đồng trái phiếu), chiếm tới 43% nguồn vốn và vượt qua 3.525 tỷ đồng vốn chủ sỡ hữu tính cùng thời điểm.
Nếu so sánh về lãi suất giữa các khoản đi vay và cho vay tại DLG có thể thấy có một sự chênh lệch đáng chú ý bởi lãi suất những khoản vay nghìn tỷ mà DLG cho các cá nhân, tổ chức vay chỉ ngang ngửa với lãi suất huy động trên thị trường hiện nay, thậm chí còn thấp hơn.
Lãi suất cho vay cao nhất mà DLG ghi nhận tính tới ngày 30/6/2019 là 9,5%/năm. Lãi suất bình quân giao động từ 7% – 9,5%/năm, trong khi hiện nay lãi suất tiền gửi của các ngân hàng cũng đã lên tới 9%/năm, thậm chí 10,2%/năm với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Nghịch lý ở chỗ, cho vay lãi suất thấp song doanh nghiệp lại đi vay ngân hàng và một số cá nhân với mức lãi suất “đắt đỏ” hơn. Hiện phần lớn các khoản đi vay của doanh nghiệp là vay ngân hàng với lãi suất thả nổi.
Vay nợ nhiều khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp trong kỳ lên tới 177 tỷ đồng, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, chiếm 75% lợi nhuận gộp DLG. Trong khi đó, lãi cho vay và tiền gửi chỉ mang về cho DLG 64 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Liên quan đến vấn đề này, kiểm toán cũng nhấn mạnh báo cáo tài chính được lập trên giả định hoạt động liên tục. Tuy nhiên, tính đến 30/6, hầu hết các khoản nợ của tập đoàn đều đã quá hạn thanh toán (đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả). Tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân cho tập đoàn.
Những điều này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Tập đoàn có khả năng không thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện bình thường, theo đó hoạt động của DLG phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai hoặc thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn, giãn nợ, giảm lãi…
DLG giải trình dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nhiều năm gần đây vẫn dương. Hiện công ty đang làm việc với ngân hàng để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi. Đồng thời, tập đoàn cũng xây dựng chiến lược kinh doanh mới và có phương án tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
Ngoài phải thu từ cho vay và lãi cho vay, kiểm toán viên cũng đã cho ý kiến nhấn mạnh về khoản nợ phải thu Tập đoàn Xây dựng, cầu đường, thủy lợi, XNK Daohuensong & Công ty TNHH Đầu tư phát triển MTV Lào liên quan đến thanh toán hợp đồng xây dựng 5 cây cầu bê tông tại Lào với giá trị 125 tỷ đồng.
DLG lý giải đây là công trình của Chính phủ Lào, nguồn thanh toán phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tiến độ giải ngân của Sở giao thông vận tải tỉnh Khăm Muồn (chủ đầu tư). Hiện DLG đã nghiệm thu công trình nhưng một số nhà thầu khác chưa hoàn thiện hạng mục dẫn đường nên chủ đầu tư chưa thể nghiệm thu để thanh toán cho DLG.
Hay khoản đầu tư 264 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Khai thác và chế biến khoáng sản Đức Long Gia Lai – doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, được DLG góp 88% vốn (tương đương 264 tỷ đồng) khi thành lập tháng 9/2015 với mục tiêu đầu tư ngắn hạn (dưới 12 tháng), nhưng đến nay vẫn chưa thể chuyển nhượng.
Theo Huyền Anh/Dân Việt